Bộ Y tế vừa có công văn số 2234/BYT-MT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.

Theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng hướng dẫn chi tiết cho các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, dựa trên các văn bản hướng dẫn đã được ban hành trước đây.

Bộ Y tế đề nghị bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh, thành phố. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường.

Quá trình học tập ở trường, học sinh, sinh viên phải được bố trí chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le… cho phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc cụ thể hóa các nội dung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để phù hợp với điều kiện của từng địa phương. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi quyết định cho học sinh đi học trở lại. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau. Mỗi lớp học có thể tách đôi số lượng học sinh để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa 2 người học. Việc dạy và học có thể kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Việt Hà (TTXVN)

Như một số ý kiến cho rằng, để xây dựng văn hóa đọc ở Bến Tre, ngoài việc phát triển nguồn sách như đã làm rất tốt thời gian qua thì còn cần thêm các giải pháp nhằm tạo cảm hứng đọc sách, tăng tính ứng dụng tri thức. Chị Lâm Như Quỳnh – Phó bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre, phụ trách Dự án Sách cho tương lai, đã có một số định hướng cho công tác xây dựng văn hóa đọc ở tỉnh.

Chị Lâm Như Quỳnh cho biết: Có 3 yếu tố tác động đến văn hóa đọc là sách, thư viện và thói quen đọc sách. Cho nên giải pháp mà chúng tôi đã và đang thực hiện cũng tập trung vào 3 yếu tố này. Trước mắt là vận hành Dự án Sách cho tương lai Bến Tre tập trung vận động sách khoa học, văn học hay, kỹ năng sống, khởi nghiệp trang bị cho các trường; phát động phong trào xây dựng Thư viện đẹp – năng động để giúp học sinh ham thích đến thư viện, đồng thời vận động các lớp trang bị Tủ sách lớp học để mang sách đến gần hơn với học sinh; tổ chức các chương trình kỹ năng đọc sách hiệu quả, hoạt động khuyến đọc thường xuyên, đưa nội dung khuyến đọc vào chương trình công tác Đoàn – Đội trường học. Trong thời gian tới sẽ chuyển trọng tâm khuyến đọc thành vừa khuyến đọc vừa khuyến hành, nghĩa là đọc đi liền với hành động; bởi cái chính chúng tôi mong muốn là việc đọc giúp phát triển tư duy, nhân cách của thanh thiếu nhi thông qua hành động và kết quả thực tế.

Có một điều quan trọng tiên quyết đảm bảo cho những giải pháp trên hiệu quả đó là giáo dục cho được mục đích, cho họ biết tại sao phải đọc. Thanh thiếu nhi ở các tỉnh, thành khác có thể tự học bằng cách đọc vì giúp ích cho bản thân nhưng với thanh thiếu nhi Bến Tre thì đọc, tự học vì một mục tiêu lớn hơn chính là trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy để “vượt qua được cầu Rạch Miễu” vươn lên sánh vai với tuổi trẻ của các tỉnh, thành trong cả nước; đọc vì khát vọng vươn xa của một thế hệ mới chứ không chỉ là của một cá nhân. Chính vì vậy mà câu nói “Thanh niên Bến Tre phải vượt qua cầu Rạch Miễu bằng tư duy và hành động” trở thành biểu tượng mà Tỉnh đoàn đã bồi đắp cho tuổi trẻ tỉnh nhà trong phong trào khuyến đọc hơn 3 năm qua. Chúng tôi tin rằng, việc phát triển văn hóa đọc trong rèn kỹ năng tự học cho người trẻ của tỉnh khi đã đặt mục tiêu cụ thể và kiên trì thực hiện nhất định trong 5, 10 năm nữa sẽ gặt hái được quả ngọt như mong muốn.

Hiện tại, hơn 2 tuần qua, cuộc thi “Cảm nhận về sách” do Tỉnh Đoàn Bến Tre phối hợp với Dự án Sách cho tương lai tổ chức theo hình thức trực tuyến đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả thống kê tạm thời từ ngày 3-4 đến hết ngày 17-4-2020, số lượng bài viết dự thi được đăng tải trên trang fanpage Sách cho tương lai là 560 bài (đến ngày 20-4-2020, số lượng bài đăng là 752 bài, chưa tính số lượng bài đang chờ được xét duyệt), trên 500 ngàn lượt tiếp cận các bài thi, thu hút 520 ngàn lượt tương tác, trang fanpage Sách cho tương lai thu hút thêm 3.240 lượt thích trang mới, 3.370 lượt theo dõi trang mới… Qua đó cho thấy sức thu hút rất lớn từ sách cũng như các giải pháp phát triển văn hóa đọc đang đi theo chiều hướng tốt. Cuộc thi đang tiếp tục diễn ra đến ngày 27-4-2020.

“Tổ chức cuộc thi Cảm nhận Sách trên trang Facebook Sách cho tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng các em học sinh từ Tiểu học đến trung học phổ thông, kể cả Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thanh niên trên địa bàn dân cư đều đang giữ cho mình những quyển sách hay về lịch sử, kỹ năng, văn học… Cả khi chúng tôi tổ chức các chương trình khuyến đọc tại trường THPT, có những em trước đó chưa từng nghĩ mình muốn đọc sách nhưng khi được tặng một quyền sách dạy kỹ năng tự tin trước đám đông em đã đọc cẩn thận, vài tháng sau gửi thư thông báo là em đã tự tin hơn và còn đoạt giải thuyết trình của trường… Những kết quả đó cho Tỉnh đoàn một lòng tin rất lớn vào việc xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi Bến Tre”, chị Lâm Như Quỳnh cho biết.

Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)

Tự học không phải chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà còn là đối với mọi lứa tuổi. Một trong các bước căn bản đầu tiên của việc học chính là đọc. Đọc để tiếp thu kiến thức. Cho nên, đọc không chỉ từ sách giấy mà còn từ nhiều kênh thông tin khác. Phát triển văn hóa đọc cũng chính là phát triển văn hóa tự học.

Đọc để học và giải trí

Đề cập đến văn hóa đọc và tự học, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn Văn học tại TP. Hồ Chí Minh ví von: “Tôi xin đưa ra một tình huống nhỏ. Nếu bạn tự mình lái xe đến một địa điểm mới, thông thường, bạn sẽ dễ ghi nhớ đường đi hơn so với việc bạn ngồi ở phía sau xe, để người khác cầm lái. Bởi vì hành trình đó, với vai trò người lái xe, bạn chủ động trải nghiệm nhiều hơn, bạn có nhiều ấn tượng hơn về cảnh vật xung quanh. Tương tự, sự tự học cũng có những ích lợi tích cực nhất định, so với việc bạn tiếp thu kiến thức một cách bị động, bị ép buộc. Một trong những phương pháp để tự học hiệu quả, chính là đọc sách, đọc tài liệu. Tất nhiên, việc đọc ở đây được hiểu là đọc nhằm thu nhận thông tin, tăng cường sự hiểu biết, đi sâu phân tích vấn đề, phản biện và đúc kết nội dung”.

Tự học thông qua đọc cũng là phương pháp mà em Trần Lê Huỳnh Trang, sinh viên năm 2, Khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) đã áp dụng thành công suốt những năm phổ thông cho đến nay. Nếu như khi học phổ thông, Huỳnh Trang có 80 – 90% thời gian học thông qua đọc sách thì giờ đây, ở môi trường đại học, em đã tự mở rộng phạm vi đọc của mình, từ sách giấy đến giáo trình online, tài liệu tổng hợp, cả những bài viết chia sẻ kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức từ các kênh thông tin điện tử, báo chí, việc đọc càng nhiều càng đòi hỏi sự chọn lọc cũng tương ứng như vậy. “Việc đọc của em gắn với so sánh, chọn lọc để tìm những góc tiếp cận mới, hay hơn, tốt hơn và phù hợp với mình để tiếp thu”, Huỳnh Trang chia sẻ.

Với một người trẻ có thói quen đọc tốt như Huỳnh Trang, góc độ tiếp cận của em khi đọc còn là đi tìm bản chất phía sau cuốn sách, tìm hiểu về chính tác giả, quan điểm, xuất thân của tác giả để hiểu tại sao lại viết như vậy. Nhất là đối với dòng sách “self-help” – sách “tự lực”, loại sách được cho là đang chiếm lĩnh phân khúc sách dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Đối với đọc giáo trình chuyên ngành để phục vụ việc học thì Huỳnh Trang có sự so sánh về thời điểm của cuốn sách để thấy quan điểm mà tác giả đưa ra có thể vận dụng vào trong thời điểm hiện tại được không. Đọc và có sự cập nhật về kiến thức để tìm ra được kiến thức có thể ứng dụng và những gì nên bỏ qua vì không còn phù hợp.

Thạc sĩ Văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Bến Tre (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tùy vào nhu cầu của mỗi người mà có phương pháp đọc khác nhau. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì phương pháp đọc sách để học phải dành thời gian và trí lực để đọc nghiền ngẫm nội dung của cuốn sách chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Đây là cách đọc cần thiết nhất để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách, những vấn đề được nêu ra được xem xét, tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo. Sau khi đọc nhiều sách sẽ có sự đối chiếu và đánh giá nội dung của từng cuốn.

“Trong nhiều trường hợp, đọc sách cũng được xem là một hoạt động giải trí, chứ không nhất thiết là phục vụ cho mục đích kiếm tìm tri thức. Không nên đánh giá việc đọc để học, hay đọc để giải trí, cái nào tốt hơn cái nào. Vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, tùy thuộc vào góc nhìn. Song, chúng ta có một lưu ý nhỏ là, dù xác định đọc sách để giải trí, kỳ thực, trong quá trình đọc, chúng ta vẫn vô tình thâu nhận những thông tin, làm giàu cho vốn liếng suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Chỉ là, mức độ ưu tiên vẫn nghiêng về sự giải trí”, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ.

Truyền cảm hứng đọc

Trả lời câu hỏi liệu giới trẻ có đang quay lưng với việc đọc sách hay không, thu nhận nhiều luồng ý kiến. Thạc sĩ văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa nhận xét: “Theo tôi nhận định này có thể đúng ở địa phương khác, chứ ở Bến Tre thì chưa chính xác. Trong những lần Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre kiểm kê và thanh lọc sách, những quyển sách có số lượng nhiều sẽ được đem ra tặng bạn đọc, có rất đông bạn trẻ đến nhận sách. Hiện nay, xu hướng đọc sách có nhiều thay đổi, thể loại ebook (sách điện tử) có thể đọc trên máy đọc sách, máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại… đang dần được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên, sách giấy vẫn còn sức sống không nhỏ”.

Theo chia sẻ của Huỳnh Trang, giới trẻ nói riêng và bạn đọc nói chung đang có xu hướng chuộng về hình thức và yêu cầu khắt khe hơn về sách. Sách giấy không phải bị bỏ rơi mà là độc giả đang yêu cầu tính thẩm mỹ cao hơn từ một cuốn sách giấy. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều nhà xuất bản đã đầu tư cho hình thức, minh họa, thể hiện nội dung cuốn sách qua hình ảnh bìa, góp phần làm cho bạn trẻ được thu hút hơn. “Văn hóa đọc sách giấy đang ngày càng được coi trọng hơn, một phần là vì người trẻ đang bắt đầu chán ngán với màn hình điện tử, một phần là hiện đã có nhiều hoạt động bổ trợ cho việc đọc sách giấy như các chương trình khuyến đọc, khuyến khích người đọc chia sẻ về việc đọc”, Huỳnh Trang nhận xét.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến cho rằng: “Nhìn vào tốc độ nắm bắt thông tin của các bạn trẻ thông qua các trang mạng xã hội, chúng ta phần nào có thể thấy được sức đọc của các bạn trẻ. Vậy làm sao để chuyển hóa năng lượng đọc đó, sự hào hứng đọc đó của người trẻ qua các trang sách mang tính học hành hơn, giáo dục hơn? Rõ ràng, câu trả lời không chỉ là làm thay đổi cách nhìn của các bạn trẻ với sự đọc, mà còn phải có sự đổi thay trong cách viết sách, cách trình bày sách, cách quảng bá sách, cách quản lý về lĩnh vực xuất bản phẩm…”.

Còn đối với việc phát triển văn hóa đọc tại tỉnh, các ý kiến nhận xét rằng câu chuyện khuyến đọc của chúng ta không chỉ hướng vào việc phát triển, tạo nguồn sách mà cần hướng đến việc truyền cảm hứng đọc nhiều hơn. Rõ ràng việc đầu tư, phát triển nguồn sách thời gian qua tại tỉnh đã thực hiện rất tốt. Các thư viện công cộng cũng như thư viện trường học đã được bổ sung nguồn sách phong phú hơn trước. Nhưng để văn hóa đọc thật sự lan tỏa, cần nhiều hơn nữa các hoạt động bổ trợ, khuyến khích chia sẻ về sách để người đọc tìm đến với sách nhiều hơn. Tiếp theo đó là làm sao để tăng tính ứng dụng của tri thức tiếp thu được từ việc đọc.

“Người đọc, nhất là độc giả trẻ sẽ cảm thấy hoài nghi, sinh lòng ghét bỏ nếu cảm thấy những gì mình đọc được chỉ là những điều xa vời, lấp lánh trong nhà kính, thay vì hiện diện ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Ích lợi của việc đọc cần là những kết quả cụ thể, hơn là những câu chữ trừu tượng”.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn văn học tại TP. Hồ Chí Minh

Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch dạy, học và các mốc thời gian của năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, học kỳ I kết thúc trước ngày 20-1-2020, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11-7-2020. Thời gian kết thúc năm học được ấn định vào trước ngày 15-7-2020. Xét công nhận chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 31-7-2020. Tuyển sinh vào lớp 10 hoàn thành trước ngày 15-8-2020.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Công văn số 1125 về việc Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó, nội dung các môn học ở các cấp sẽ cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học. Tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Đồng thời, quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản. Những nội dung mang tính mở rộng, vận dụng vào thực tiễn… được hướng dẫn không dạy hoặc không thực hiện trong học kỳ II năm học này.

Năm nay, đề thi tham khảo và đề thi chính thức kỳ thi THPT đều bám sát vào nội dung chương trình giáo dục đã được tinh giản. Việc đánh giá kết quả học tập, thi cuối năm, thi vào lớp 10 tại các địa phương cũng phải căn cứ vào chương trình giáo dục đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Hiện học sinh toàn tỉnh vẫn đang nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các văn bản triển khai của Sở GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình nội dung chương trình của học kỳ II.

Ph.Hân (Báo Đồng Khởi)

Chiều 13g30 ngày 14/3/2020, trường THCS Tạ Thị Kiều thực hiện tổng vệ sinh trường với sự có mặt đông đủ của tất cả cán bộ giáo viên, công nhân viên của nhà trường nhằm góp phần nâng cao ý thức phòng chống dịch trong nhà trường cũng như trong cộng đồng.










Ban Giám hiệu trường THCS Tạ Thị Kiều thông báo đã có thời khóa biểu số 3 học kỳ 2 năm học 2019-2020 được áp dụng chính thức từ ngày 02/03/2020.

Quí thầy cô chủ nhiệm các khối lớp thông báo cho học sinh vào website trường ghi chép đầy đủ và kịp thời.

Lý do thay đổi:

  • Thay đổi phân công môn Tin học.
  • Thực hiện tăng tiết các môn Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh cho các lớp 9 (mỗi môn 2 tiết/tuần) để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm học 2020-2021.

Xem và tải thời khóa biểu mới nhất (số 3) tại đây.