Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị, sẵn sàng tiếp đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài phòng chống dịch Covid-19. Các đơn vị ưu tiên vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe, củng cố kiến thức cho các em học sinh.

Tiêu độc khử khuẩn

Ngoài công tác dạy học trực tuyến, các trường trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị tốt các khâu để học sinh có thể trở lại trường an toàn bất kỳ lúc nào khi có chỉ đạo của cấp trên.

Tại Trường THCS Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc), hàng ngày, trường phân công 1 tổ giáo viên tham gia trực trường và thực hiện vệ sinh, khử khuẩn. Trường đã trang bị khá đầy đủ các phương tiện khử khuẩn, hóa chất và khẩu trang cho học sinh phòng chống dịch Covid-19. Nhà trường đang đề nghị mua thêm 1 – 3 máy đo thân nhiệt để phục vụ kiểm tra nhiệt độ cơ thể khi học sinh trở lại trường.

Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Viết Chánh (Giồng Trôm) Huỳnh Thị Hà cho hay: Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học trong thời gian tới, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường vẫn đang tích cực vận động thêm các nguồn hỗ trợ khẩu trang phát cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Kế hoạch trong thời gian học sinh học tại trường, mỗi ngày khử khuẩn 1 lần, sau buổi học. Trường sẽ bố trí lực lượng lau khử khuẩn, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh; lau tay nắm cửa, tay vịn lan can; mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt; Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý mỗi ngày 2 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước khi học sinh trở lại trường, điều đầu tiên cần thực hiện là vệ sinh ngoại cảnh, phát quang bụi rậm, không để nước đọng. Khử khuẩn trường học, phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì nhà trường thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Đồng thời, đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.

Ngoài ra, y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh trong vòng 14 ngày trước đó. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Trường hợp không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần. Trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.

Hệ thống lại kiến thức

Sau hơn 1 tháng triển khai dạy – học trực tuyến và qua kênh truyền hình, nhiều đơn vị trường học đã cập nhật kiến thức mới trên cơ sở hướng dẫn nội dung giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Tại Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Nam, có 69 giáo viên trực tiếp dạy trực tuyến. Hầu hết giáo viên trẻ tiếp cận tốt với công nghệ thông tin cùng với sự hỗ trợ của VNPT, các phần mềm học trực tuyến đáp ứng được việc dạy – học trong tình hình phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng học sinh tiếp cận chưa đồng đều do các em hạn chế phương tiện học tập online. Đến thời điểm này, học sinh Trường THCS thị trấn Mỏ Cày Nam tham gia học trực tuyến môn nhiều nhất trên 80%, các môn còn lại đạt từ 50% trở lên.

Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo các đơn vị trường học sẽ tổ chức ôn tập lại mới tiến hành kiểm tra định kỳ. Dự kiến, trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ dành thời gian để giáo viên hệ thống lại kiến thức đã dạy qua internet, qua truyền hình. Sau khi ôn tập, củng cố kiến thức, các trường sẽ thực hiện dạy kiến thức mới theo chương trình đã tinh giản của Bộ GD&ĐT.

Hiệu trường Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Nam Đỗ Hữu Thật cho hay: đối với học sinh chưa tiếp cận được với học trực tuyến hay học trên truyền hình thì trường sẽ phân loại, gom lại theo nhóm để tổ chức phụ đạo giúp em nắm và bắt kịp kiến thức so với các bạn đã được học trực tuyến. Nhà trường sẽ quy định khung thời gian nhất định cho giáo viên dạy, trên cơ sở gom kiến thức chính, cơ bản nhất để các em nắm.

Theo hướng dẫn chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT, có khi 2 bài ghép lại 1 bài, có những bài buộc học sinh tự học và nghiên cứu ở nhà. Với chương trình giảm tải, việc tự học của học sinh góp phần rất lớn tới chất lượng học tập. Do đó, để quản lý học sinh lười học, học yếu, giáo viên chủ nhiệm các trường đã liên hệ trực tiếp và chặt hơn với gia đình để thực hiện kiểm tra việc học của các em.

Đánh giá việc học sinh của lớp tham gia học trực tuyến đạt chỉ 20%, cô Lữ Thị Thùy Vân – giáo viên chủ nhiệm khối lớp 4 Trường Tiểu học Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) chủ động liên hệ phụ huynh để hỗ trợ, theo dõi việc học tại nhà của mỗi em thông qua việc làm bài tập, vào các kênh ti vi trực tuyến tự ôn tập tại nhà.

“Việc học trực tuyến phần nào đảm bảo sự tương tác của giáo viên với học sinh và cung cấp kiến thức cơ bản cho các em trong tình hình chung cả nước phòng chống dịch Covid-19. Để đảm bảo kiến thức học trực tuyến là kiến thức thật và hạn chế tình trạng chia sẻ, copy bài giữa các em, tôi luôn làm mới bài tập để tránh trùng đề khi giao bài tập cho các em. Nhờ đó, các em có sự học tập nghiêm túc, có kiến thức nhất định trong thời gian qua”, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường THCS Phước Mỹ Trung chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Phước Mỹ Trung Đoàn Văn Vui, để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là khối 9 vừa thi xét tốt nghiệp và thi tuyển lớp 10, trong thời gian tới, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn dạy bổ sung kiến thức cho học sinh không tiếp cận được học trực tuyến và đối tượng học sinh tiếp cận nhưng tiếp cận chậm.

“Trong thời gian qua, ngành cụ thể hóa các văn bản cấp trên để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên tinh thần giảng dạy trong tình hình phòng chống dịch Covid-19. Các trường cũng đã sử dụng song song 2 nhà mạng VNPT, Viettel để truyền tải kiến thức đến cho học sinh, tận dụng hết điều kiện và phương pháp hiện có: zalo, facebook… để chuyển tải kiến thức cô đọng nhất đến với các em học sinh. Sắp tới, tùy tình hình thực tế từng trường, phòng chỉ đạo các trường phân loại đối tượng để vận dụng giờ trống hoặc trái buổi để hệ thống lại kiến thức để đảm bảo kiến thức cho các em học sinh, góp phần duy trì chất lượng giáo dục trong năm học 2019-2020”, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Phan Hân (Báo Đồng Khởi)

GD&TĐ – Bộ GD&ĐT vừa có văn bản số 1360/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kì 2 năm học 2019-2020.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 1061/BGDĐTGDTrH ngày 25/3/2020 và Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 của Bộ GD&ĐT.

Đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kì, giảm 1/3 số đầu điểm, bảo đảm yêu cầu:

Đối với kiểm tra thường xuyên:

Môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: ít nhất 2 đầu điểm; môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: ít nhất 3 đầu điểm.

Đối với kiểm tra định kì:

Môn học có từ 2 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 2 tiết /tuần: ít nhất 2 đầu điểm.

Đối với các lớp học theo mô hình trường học mới, thực hiện việc đánh giá định kì theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH ngày 10/9/2015 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đánh giá học sinh trung học cơ sở theo mô hình trường học mới và Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 5/4/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện một số quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức: vấn đáp; phỏng vấn; kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính; báo cáo thuyết trình; kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…).

Đối với hoạt động Giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và các hoạt động giáo dục khác, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, thời gian dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này, chủ động trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục.

(GDVN) – Phải luyện thật nhiều đề Toán mẫu, xem bài giảng chữa đề để nắm được sai sót và bổ sung phần kiến thức mình chưa rõ, xem kỹ các video hướng dẫn giải chi tiết.

“Học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học đến đâu chắc đến đó kết hợp thực hành làm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao. Thay vì ôn một cách tràn lan thì cần nắm được cấu trúc đề thi, từ đó sẽ tập trung vào những trọng tâm cần thiết.

Đề thi môn Toán vào lớp 10 trung học phổ thông thường có cấu trúc ít thay đổi qua các năm, vì thế các em nên ôn những nội dung kiến thức đã xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 của những năm trước, chú ý năm nay sẽ tránh những phần đã được Bộ Giáo dục công bố giảm tải.

Nên chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài theo các dạng bài trong từng chuyên đề, học sinh cần chú ý những lỗi sai hay mắc phải như không đọc kỹ đề bài, biến đổi sai, thiếu điều kiện, không kết hợp điều kiện để loại nghiệm, nhớ nhầm công thức, vẽ sai hình…”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Liên – Giáo viên Tổ Toán – Lý Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ.

Theo cô Liên: “ Các em phải luyện thật nhiều đề mẫu đã có, xem bài giảng chữa đề để nắm được sai sót và bổ sung kiến thức những phần mình chưa rõ, cũng như biết được cách đạt điểm tối đa trong từng câu.

Đối chiếu đáp án chi tiết, học kiến thức nâng cao để hoàn thiện các câu hỏi. Ngoài việc tìm hiểu cấu trúc đề, luyện nhiều đề thi sẽ giúp các em đánh giá năng lực của bản thân, biết được những phần mình chưa hiểu rõ, từ đó xem lại lý thuyết, tìm bài tập phần đó để luyện lại.

Nếu đọc lại qua sách vở vẫn chưa thực sự hiểu kỹ thấu đáo thì học sinh nên xem lại các video hướng dẫn giải chi tiết, đây cũng là phương pháp giúp các em hiểu nhanh hơn. Ôn luyện giải đề mẫu nhiều sẽ giúp các em nắm được cấu trúc đề thi, phương pháp giải từng câu hỏi, từng dạng toán.

Qua những đề mẫu, học sinh có thể tự đánh giá mức độ của mình đã đạt được bao nhiêu điểm, chắc phần nào, phần nào chưa tốt, hay sai ở mảng kiến thức nào, dạng toán nào mình chưa ổn, cần lưu tâm đến những lỗi sai để sửa chữa, rút kinh nghiệm”.

Tập trung ôn trọng tâm

Cô Liên cho biết: “Học sinh nên xác định rõ năng lực học tập của mình để tập trung ôn tập chắc các dạng bài mà sức mình có thể làm được, bên cạnh đó việc bám sát đề của năm học trước cũng rất quan trọng.

Cần phải nắm vững phương pháp giải của từng dạng trong chuyên đề. Đề thi sẽ phân bổ đồng đều các câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có thể đạt được điểm từng câu tùy theo năng lực học tập.

Nắm rõ cấu trúc đề để có kế hoạch ôn tập tốt, cần ôn tập phủ đều các vấn đề theo cấu trúc đề năm trước. Tiếp đến là ôn tập thêm các bài toán ở các đề thi thử hàng năm, hoặc bài tập trong cách sách tham khảo, bài tập trên các trang ôn thi uy tín trên mạng internet. Việc cần cù, chịu khó hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Việc ôn thi phải có kế hoạch cụ thể theo từng ngày, từng tuần và nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo các chuyên đề, các dạng bài thi, đồng thời rèn kỹ năng quyết đoán, tính toán nhanh.

Cấu trúc đề rất rõ ràng gồm các phần kiến thức sau: Phần Đại số trong đề thi chiếm 6 đến 7 điểm, trong đó có khoảng 5,5 đến 6 điểm mà các em dễ dàng đạt điểm trọn vẹn nếu làm bài một cách cẩn thận.

Chính vì thế, các em nên ôn tập nhuần nhuyễn các dạng bài để tránh bỏ lỡ những số điểm quan trọng.

Để làm tốt phần Hình học, định hướng nhanh các dạng trong đề thi, học sinh cần chú ý các dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp, tam giác, tứ giác đặc biệt và mối quan hệ giữa các loại góc trong đường tròn.

Nắm chắc các tính chất của các đối tượng trên và cách chứng minh của từng loại toán sẽ giúp các em có những ý tưởng chứng minh rất nhanh gọn.

Với đa số đề thi, câu cuối chính là câu mang tính phân loại học sinh và thường nằm trong mảng kiến thức nâng cao như: Bất đẳng thức cực trị, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, giải một số loại phương trình khó, phương trình vô tỉ, phương trình bậc cao, phương trình đặc biệt… hoặc có thể là một bài hình học nâng cao”.

Bí quyết làm bài thi

Cô Liên lưu ý: “Học sinh cần thực hiện lộ trình đạt được điểm an toàn rồi mới phấn đấu đến những câu có điểm cao. Khi đọc đề cần xử lý làm những câu hỏi dễ trước, làm đến đâu chắc chắn đến đó để đảm bảo đạt điểm tối đa của từng câu.

Chọn câu khó làm trước sẽ mất nhiều thời gian mà được ít điểm, và trong trường hợp không làm được sẽ dễ dẫn đến mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến quá trình làm bài tiếp theo.

Do vậy trước khi làm bài thi, nên đọc kỹ hết đề bài một lần rồi phân loại câu hỏi thành ba loại: Loại 1: Đối với những câu hỏi dễ, để tiết kiệm thời gian, nên viết trực tiếp vào bài thi. Loại 2: Câu hỏi trung bình thì tập trung suy nghĩ, cố gắng tìm hướng giải bằng được.

Loại 3: Những câu hỏi khó, đánh đố thường dùng để phân loại học sinh và để làm được câu này cần nhiều thời gian suy nghĩ, do đó các em nên dành thời gian làm bài cuối cùng. Nếu không làm được thì cũng không quá lo lắng vì câu khó thường không chiếm quá nhiều điểm của cả đề thi.

Những câu nào đã làm rồi thì nên đánh dấu vào nháp để tránh bị làm lại, hơn nữa như vậy mới không bị bỏ sót câu hỏi, nhìn vào đánh dấu là biết rõ những câu đã và chưa làm.

Phân bổ thời gian hợp lý, quá thời gian cho một câu cần chuyển câu khác để tránh sa đà không cần thiết.

Với các bài đã có điều kiện, cần đối chiếu, kết hợp để lấy nghiệm hoặc loại nghiệm, chú ý điều kiện như giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình hoặc phương trình, và có thể là bài toán phương trình bậc hai ….

Đối chiếu từ phần nháp đến khi điền vào bài làm thật chính xác, trách làm nháp thì đúng nhưng khi viết vào bài lại bị lệch câu, như vậy sẽ bị sai 2 câu chứ không phải 1.

Cần cố gắng làm hết các câu hỏi và tuyệt đối không được bỏ chống câu nào, có như vậy mới hy vọng được thêm điểm, cũng như không bị điểm liệt.

Với các bài hình, cần phải vẽ hình chính xác, lưu ý kỹ năng trình bày rõ ràng, không tẩy xóa, khi làm xong bài cố gắng dành khoảng 5 phút đồng hồ để kiểm tra lại tất cả các câu trả lời, bài làm của mình trước khi nộp.

Các em lưu ý, mỗi ý đúng đều có điểm, do vậy việc viết thêm lời giải để có 0,25 điểm nhiều khi không quá khó. Nhiều em không để tâm đến điều này hoặc coi điểm này không đáng thường bỏ qua là sai lầm, từng chút điểm nhỏ như vậy nhưng khi cộng tổng thể sẽ thành điểm lớn”.

Tùng Dương

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã có đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công tác đón học sinh trở lại trường sau thời gian phòng chống dịch Covid-19. Thời gian học sinh, sinh viên trở lại trường dự kiến vào ngày 4-5-2020.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước khi học sinh quay trở lại trường, cần vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng). Khử khuẩn trường học, phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng.

Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Trong thời gian học sinh học tại trường, mỗi ngày khử khuẩn 1 lần, sau buổi học: Lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh.

Lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy; lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe; mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa; Hạn chế sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được; Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày mỗi ngày 2 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày.

Trường hợp có học sinh biểu hiện: Sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

Khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở: Cần đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.

Y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh trong vòng 14 ngày trước đó. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ.

Trường hợp không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần. Trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.

Phan Hân (Báo Đồng Khởi)

Bộ Y tế vừa có công văn số 2234/BYT-MT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.

Theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng hướng dẫn chi tiết cho các tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, dựa trên các văn bản hướng dẫn đã được ban hành trước đây.

Bộ Y tế đề nghị bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh, thành phố. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường.

Quá trình học tập ở trường, học sinh, sinh viên phải được bố trí chỗ ngồi đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le… cho phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên.

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc cụ thể hóa các nội dung hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để phù hợp với điều kiện của từng địa phương. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn triển khai và kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi quyết định cho học sinh đi học trở lại. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau. Mỗi lớp học có thể tách đôi số lượng học sinh để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa 2 người học. Việc dạy và học có thể kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Việt Hà (TTXVN)

Như một số ý kiến cho rằng, để xây dựng văn hóa đọc ở Bến Tre, ngoài việc phát triển nguồn sách như đã làm rất tốt thời gian qua thì còn cần thêm các giải pháp nhằm tạo cảm hứng đọc sách, tăng tính ứng dụng tri thức. Chị Lâm Như Quỳnh – Phó bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre, phụ trách Dự án Sách cho tương lai, đã có một số định hướng cho công tác xây dựng văn hóa đọc ở tỉnh.

Chị Lâm Như Quỳnh cho biết: Có 3 yếu tố tác động đến văn hóa đọc là sách, thư viện và thói quen đọc sách. Cho nên giải pháp mà chúng tôi đã và đang thực hiện cũng tập trung vào 3 yếu tố này. Trước mắt là vận hành Dự án Sách cho tương lai Bến Tre tập trung vận động sách khoa học, văn học hay, kỹ năng sống, khởi nghiệp trang bị cho các trường; phát động phong trào xây dựng Thư viện đẹp – năng động để giúp học sinh ham thích đến thư viện, đồng thời vận động các lớp trang bị Tủ sách lớp học để mang sách đến gần hơn với học sinh; tổ chức các chương trình kỹ năng đọc sách hiệu quả, hoạt động khuyến đọc thường xuyên, đưa nội dung khuyến đọc vào chương trình công tác Đoàn – Đội trường học. Trong thời gian tới sẽ chuyển trọng tâm khuyến đọc thành vừa khuyến đọc vừa khuyến hành, nghĩa là đọc đi liền với hành động; bởi cái chính chúng tôi mong muốn là việc đọc giúp phát triển tư duy, nhân cách của thanh thiếu nhi thông qua hành động và kết quả thực tế.

Có một điều quan trọng tiên quyết đảm bảo cho những giải pháp trên hiệu quả đó là giáo dục cho được mục đích, cho họ biết tại sao phải đọc. Thanh thiếu nhi ở các tỉnh, thành khác có thể tự học bằng cách đọc vì giúp ích cho bản thân nhưng với thanh thiếu nhi Bến Tre thì đọc, tự học vì một mục tiêu lớn hơn chính là trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy để “vượt qua được cầu Rạch Miễu” vươn lên sánh vai với tuổi trẻ của các tỉnh, thành trong cả nước; đọc vì khát vọng vươn xa của một thế hệ mới chứ không chỉ là của một cá nhân. Chính vì vậy mà câu nói “Thanh niên Bến Tre phải vượt qua cầu Rạch Miễu bằng tư duy và hành động” trở thành biểu tượng mà Tỉnh đoàn đã bồi đắp cho tuổi trẻ tỉnh nhà trong phong trào khuyến đọc hơn 3 năm qua. Chúng tôi tin rằng, việc phát triển văn hóa đọc trong rèn kỹ năng tự học cho người trẻ của tỉnh khi đã đặt mục tiêu cụ thể và kiên trì thực hiện nhất định trong 5, 10 năm nữa sẽ gặt hái được quả ngọt như mong muốn.

Hiện tại, hơn 2 tuần qua, cuộc thi “Cảm nhận về sách” do Tỉnh Đoàn Bến Tre phối hợp với Dự án Sách cho tương lai tổ chức theo hình thức trực tuyến đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả thống kê tạm thời từ ngày 3-4 đến hết ngày 17-4-2020, số lượng bài viết dự thi được đăng tải trên trang fanpage Sách cho tương lai là 560 bài (đến ngày 20-4-2020, số lượng bài đăng là 752 bài, chưa tính số lượng bài đang chờ được xét duyệt), trên 500 ngàn lượt tiếp cận các bài thi, thu hút 520 ngàn lượt tương tác, trang fanpage Sách cho tương lai thu hút thêm 3.240 lượt thích trang mới, 3.370 lượt theo dõi trang mới… Qua đó cho thấy sức thu hút rất lớn từ sách cũng như các giải pháp phát triển văn hóa đọc đang đi theo chiều hướng tốt. Cuộc thi đang tiếp tục diễn ra đến ngày 27-4-2020.

“Tổ chức cuộc thi Cảm nhận Sách trên trang Facebook Sách cho tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng các em học sinh từ Tiểu học đến trung học phổ thông, kể cả Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thanh niên trên địa bàn dân cư đều đang giữ cho mình những quyển sách hay về lịch sử, kỹ năng, văn học… Cả khi chúng tôi tổ chức các chương trình khuyến đọc tại trường THPT, có những em trước đó chưa từng nghĩ mình muốn đọc sách nhưng khi được tặng một quyền sách dạy kỹ năng tự tin trước đám đông em đã đọc cẩn thận, vài tháng sau gửi thư thông báo là em đã tự tin hơn và còn đoạt giải thuyết trình của trường… Những kết quả đó cho Tỉnh đoàn một lòng tin rất lớn vào việc xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi Bến Tre”, chị Lâm Như Quỳnh cho biết.

Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)

Tự học không phải chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà còn là đối với mọi lứa tuổi. Một trong các bước căn bản đầu tiên của việc học chính là đọc. Đọc để tiếp thu kiến thức. Cho nên, đọc không chỉ từ sách giấy mà còn từ nhiều kênh thông tin khác. Phát triển văn hóa đọc cũng chính là phát triển văn hóa tự học.

Đọc để học và giải trí

Đề cập đến văn hóa đọc và tự học, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn Văn học tại TP. Hồ Chí Minh ví von: “Tôi xin đưa ra một tình huống nhỏ. Nếu bạn tự mình lái xe đến một địa điểm mới, thông thường, bạn sẽ dễ ghi nhớ đường đi hơn so với việc bạn ngồi ở phía sau xe, để người khác cầm lái. Bởi vì hành trình đó, với vai trò người lái xe, bạn chủ động trải nghiệm nhiều hơn, bạn có nhiều ấn tượng hơn về cảnh vật xung quanh. Tương tự, sự tự học cũng có những ích lợi tích cực nhất định, so với việc bạn tiếp thu kiến thức một cách bị động, bị ép buộc. Một trong những phương pháp để tự học hiệu quả, chính là đọc sách, đọc tài liệu. Tất nhiên, việc đọc ở đây được hiểu là đọc nhằm thu nhận thông tin, tăng cường sự hiểu biết, đi sâu phân tích vấn đề, phản biện và đúc kết nội dung”.

Tự học thông qua đọc cũng là phương pháp mà em Trần Lê Huỳnh Trang, sinh viên năm 2, Khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) đã áp dụng thành công suốt những năm phổ thông cho đến nay. Nếu như khi học phổ thông, Huỳnh Trang có 80 – 90% thời gian học thông qua đọc sách thì giờ đây, ở môi trường đại học, em đã tự mở rộng phạm vi đọc của mình, từ sách giấy đến giáo trình online, tài liệu tổng hợp, cả những bài viết chia sẻ kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức từ các kênh thông tin điện tử, báo chí, việc đọc càng nhiều càng đòi hỏi sự chọn lọc cũng tương ứng như vậy. “Việc đọc của em gắn với so sánh, chọn lọc để tìm những góc tiếp cận mới, hay hơn, tốt hơn và phù hợp với mình để tiếp thu”, Huỳnh Trang chia sẻ.

Với một người trẻ có thói quen đọc tốt như Huỳnh Trang, góc độ tiếp cận của em khi đọc còn là đi tìm bản chất phía sau cuốn sách, tìm hiểu về chính tác giả, quan điểm, xuất thân của tác giả để hiểu tại sao lại viết như vậy. Nhất là đối với dòng sách “self-help” – sách “tự lực”, loại sách được cho là đang chiếm lĩnh phân khúc sách dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Đối với đọc giáo trình chuyên ngành để phục vụ việc học thì Huỳnh Trang có sự so sánh về thời điểm của cuốn sách để thấy quan điểm mà tác giả đưa ra có thể vận dụng vào trong thời điểm hiện tại được không. Đọc và có sự cập nhật về kiến thức để tìm ra được kiến thức có thể ứng dụng và những gì nên bỏ qua vì không còn phù hợp.

Thạc sĩ Văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Bến Tre (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tùy vào nhu cầu của mỗi người mà có phương pháp đọc khác nhau. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì phương pháp đọc sách để học phải dành thời gian và trí lực để đọc nghiền ngẫm nội dung của cuốn sách chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Đây là cách đọc cần thiết nhất để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách, những vấn đề được nêu ra được xem xét, tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo. Sau khi đọc nhiều sách sẽ có sự đối chiếu và đánh giá nội dung của từng cuốn.

“Trong nhiều trường hợp, đọc sách cũng được xem là một hoạt động giải trí, chứ không nhất thiết là phục vụ cho mục đích kiếm tìm tri thức. Không nên đánh giá việc đọc để học, hay đọc để giải trí, cái nào tốt hơn cái nào. Vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, tùy thuộc vào góc nhìn. Song, chúng ta có một lưu ý nhỏ là, dù xác định đọc sách để giải trí, kỳ thực, trong quá trình đọc, chúng ta vẫn vô tình thâu nhận những thông tin, làm giàu cho vốn liếng suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Chỉ là, mức độ ưu tiên vẫn nghiêng về sự giải trí”, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ.

Truyền cảm hứng đọc

Trả lời câu hỏi liệu giới trẻ có đang quay lưng với việc đọc sách hay không, thu nhận nhiều luồng ý kiến. Thạc sĩ văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa nhận xét: “Theo tôi nhận định này có thể đúng ở địa phương khác, chứ ở Bến Tre thì chưa chính xác. Trong những lần Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre kiểm kê và thanh lọc sách, những quyển sách có số lượng nhiều sẽ được đem ra tặng bạn đọc, có rất đông bạn trẻ đến nhận sách. Hiện nay, xu hướng đọc sách có nhiều thay đổi, thể loại ebook (sách điện tử) có thể đọc trên máy đọc sách, máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại… đang dần được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên, sách giấy vẫn còn sức sống không nhỏ”.

Theo chia sẻ của Huỳnh Trang, giới trẻ nói riêng và bạn đọc nói chung đang có xu hướng chuộng về hình thức và yêu cầu khắt khe hơn về sách. Sách giấy không phải bị bỏ rơi mà là độc giả đang yêu cầu tính thẩm mỹ cao hơn từ một cuốn sách giấy. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều nhà xuất bản đã đầu tư cho hình thức, minh họa, thể hiện nội dung cuốn sách qua hình ảnh bìa, góp phần làm cho bạn trẻ được thu hút hơn. “Văn hóa đọc sách giấy đang ngày càng được coi trọng hơn, một phần là vì người trẻ đang bắt đầu chán ngán với màn hình điện tử, một phần là hiện đã có nhiều hoạt động bổ trợ cho việc đọc sách giấy như các chương trình khuyến đọc, khuyến khích người đọc chia sẻ về việc đọc”, Huỳnh Trang nhận xét.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến cho rằng: “Nhìn vào tốc độ nắm bắt thông tin của các bạn trẻ thông qua các trang mạng xã hội, chúng ta phần nào có thể thấy được sức đọc của các bạn trẻ. Vậy làm sao để chuyển hóa năng lượng đọc đó, sự hào hứng đọc đó của người trẻ qua các trang sách mang tính học hành hơn, giáo dục hơn? Rõ ràng, câu trả lời không chỉ là làm thay đổi cách nhìn của các bạn trẻ với sự đọc, mà còn phải có sự đổi thay trong cách viết sách, cách trình bày sách, cách quảng bá sách, cách quản lý về lĩnh vực xuất bản phẩm…”.

Còn đối với việc phát triển văn hóa đọc tại tỉnh, các ý kiến nhận xét rằng câu chuyện khuyến đọc của chúng ta không chỉ hướng vào việc phát triển, tạo nguồn sách mà cần hướng đến việc truyền cảm hứng đọc nhiều hơn. Rõ ràng việc đầu tư, phát triển nguồn sách thời gian qua tại tỉnh đã thực hiện rất tốt. Các thư viện công cộng cũng như thư viện trường học đã được bổ sung nguồn sách phong phú hơn trước. Nhưng để văn hóa đọc thật sự lan tỏa, cần nhiều hơn nữa các hoạt động bổ trợ, khuyến khích chia sẻ về sách để người đọc tìm đến với sách nhiều hơn. Tiếp theo đó là làm sao để tăng tính ứng dụng của tri thức tiếp thu được từ việc đọc.

“Người đọc, nhất là độc giả trẻ sẽ cảm thấy hoài nghi, sinh lòng ghét bỏ nếu cảm thấy những gì mình đọc được chỉ là những điều xa vời, lấp lánh trong nhà kính, thay vì hiện diện ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Ích lợi của việc đọc cần là những kết quả cụ thể, hơn là những câu chữ trừu tượng”.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn văn học tại TP. Hồ Chí Minh

Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch dạy, học và các mốc thời gian của năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, học kỳ I kết thúc trước ngày 20-1-2020, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11-7-2020. Thời gian kết thúc năm học được ấn định vào trước ngày 15-7-2020. Xét công nhận chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 31-7-2020. Tuyển sinh vào lớp 10 hoàn thành trước ngày 15-8-2020.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Công văn số 1125 về việc Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó, nội dung các môn học ở các cấp sẽ cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học. Tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Đồng thời, quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản. Những nội dung mang tính mở rộng, vận dụng vào thực tiễn… được hướng dẫn không dạy hoặc không thực hiện trong học kỳ II năm học này.

Năm nay, đề thi tham khảo và đề thi chính thức kỳ thi THPT đều bám sát vào nội dung chương trình giáo dục đã được tinh giản. Việc đánh giá kết quả học tập, thi cuối năm, thi vào lớp 10 tại các địa phương cũng phải căn cứ vào chương trình giáo dục đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Hiện học sinh toàn tỉnh vẫn đang nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các văn bản triển khai của Sở GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình nội dung chương trình của học kỳ II.

Ph.Hân (Báo Đồng Khởi)