VTV.vn – Trong năm học 2020-2021, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần như với cấp Tiểu học.

Bộ GD&ĐT cho biết, đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.

Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 05/9/2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 01/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trả lời báo chí.

“Năm nay, trong bối cảnh COVID-19, chương trình kết thúc trước 15/7 để thi tốt nghiệp THPT vào 9, 10/8. Theo đó, khai giảng năm học mới vẫn là ngày 5/9, nhưng tựu trường không sớm hơn 1/9, không tổ chức học thêm.

Tổng cộng có 38 tuần, ngoài 1 tuần Tết Nguyên đán, còn lại 37 tuần, điều chỉnh còn 35 tuần thực học sau khi sử dụng 2 tuần dự phòng. Tùy từng địa phương sẽ xây dựng kế hoạch dạy và học”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay.

Trả lời phóng viên về vấn đề du học sinh trước tình hình COVID-19, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đưa ra khuyến cáo: “Về việc du học sinh nước ngoài, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các quốc gia. Theo đó, chúng tôi khuyến cáo gia đình và các em du học sinh cần có trao đổi cụ thể với các trường. Như tôi được biết, một số em đã nhập học và khả năng cao ở học kỳ 1 ở các trường nước ngoài là học online”.

Khánh Nguyễn

GD&TĐ – Bộ GD&ĐT vừa có văn bản số 1360/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kì 2 năm học 2019-2020.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 1061/BGDĐTGDTrH ngày 25/3/2020 và Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 của Bộ GD&ĐT.

Đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kì, giảm 1/3 số đầu điểm, bảo đảm yêu cầu:

Đối với kiểm tra thường xuyên:

Môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: ít nhất 2 đầu điểm; môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: ít nhất 3 đầu điểm.

Đối với kiểm tra định kì:

Môn học có từ 2 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 2 tiết /tuần: ít nhất 2 đầu điểm.

Đối với các lớp học theo mô hình trường học mới, thực hiện việc đánh giá định kì theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH ngày 10/9/2015 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đánh giá học sinh trung học cơ sở theo mô hình trường học mới và Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 5/4/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện một số quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức: vấn đáp; phỏng vấn; kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính; báo cáo thuyết trình; kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…).

Đối với hoạt động Giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và các hoạt động giáo dục khác, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, thời gian dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này, chủ động trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch dạy, học và các mốc thời gian của năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, học kỳ I kết thúc trước ngày 20-1-2020, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 11-7-2020. Thời gian kết thúc năm học được ấn định vào trước ngày 15-7-2020. Xét công nhận chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS trước ngày 31-7-2020. Tuyển sinh vào lớp 10 hoàn thành trước ngày 15-8-2020.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Công văn số 1125 về việc Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó, nội dung các môn học ở các cấp sẽ cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học. Tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Đồng thời, quy định các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản. Những nội dung mang tính mở rộng, vận dụng vào thực tiễn… được hướng dẫn không dạy hoặc không thực hiện trong học kỳ II năm học này.

Năm nay, đề thi tham khảo và đề thi chính thức kỳ thi THPT đều bám sát vào nội dung chương trình giáo dục đã được tinh giản. Việc đánh giá kết quả học tập, thi cuối năm, thi vào lớp 10 tại các địa phương cũng phải căn cứ vào chương trình giáo dục đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Hiện học sinh toàn tỉnh vẫn đang nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các văn bản triển khai của Sở GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình nội dung chương trình của học kỳ II.

Ph.Hân (Báo Đồng Khởi)