Như một số ý kiến cho rằng, để xây dựng văn hóa đọc ở Bến Tre, ngoài việc phát triển nguồn sách như đã làm rất tốt thời gian qua thì còn cần thêm các giải pháp nhằm tạo cảm hứng đọc sách, tăng tính ứng dụng tri thức. Chị Lâm Như Quỳnh – Phó bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre, phụ trách Dự án Sách cho tương lai, đã có một số định hướng cho công tác xây dựng văn hóa đọc ở tỉnh.
Chị Lâm Như Quỳnh cho biết: Có 3 yếu tố tác động đến văn hóa đọc là sách, thư viện và thói quen đọc sách. Cho nên giải pháp mà chúng tôi đã và đang thực hiện cũng tập trung vào 3 yếu tố này. Trước mắt là vận hành Dự án Sách cho tương lai Bến Tre tập trung vận động sách khoa học, văn học hay, kỹ năng sống, khởi nghiệp trang bị cho các trường; phát động phong trào xây dựng Thư viện đẹp – năng động để giúp học sinh ham thích đến thư viện, đồng thời vận động các lớp trang bị Tủ sách lớp học để mang sách đến gần hơn với học sinh; tổ chức các chương trình kỹ năng đọc sách hiệu quả, hoạt động khuyến đọc thường xuyên, đưa nội dung khuyến đọc vào chương trình công tác Đoàn – Đội trường học. Trong thời gian tới sẽ chuyển trọng tâm khuyến đọc thành vừa khuyến đọc vừa khuyến hành, nghĩa là đọc đi liền với hành động; bởi cái chính chúng tôi mong muốn là việc đọc giúp phát triển tư duy, nhân cách của thanh thiếu nhi thông qua hành động và kết quả thực tế.
Có một điều quan trọng tiên quyết đảm bảo cho những giải pháp trên hiệu quả đó là giáo dục cho được mục đích, cho họ biết tại sao phải đọc. Thanh thiếu nhi ở các tỉnh, thành khác có thể tự học bằng cách đọc vì giúp ích cho bản thân nhưng với thanh thiếu nhi Bến Tre thì đọc, tự học vì một mục tiêu lớn hơn chính là trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy để “vượt qua được cầu Rạch Miễu” vươn lên sánh vai với tuổi trẻ của các tỉnh, thành trong cả nước; đọc vì khát vọng vươn xa của một thế hệ mới chứ không chỉ là của một cá nhân. Chính vì vậy mà câu nói “Thanh niên Bến Tre phải vượt qua cầu Rạch Miễu bằng tư duy và hành động” trở thành biểu tượng mà Tỉnh đoàn đã bồi đắp cho tuổi trẻ tỉnh nhà trong phong trào khuyến đọc hơn 3 năm qua. Chúng tôi tin rằng, việc phát triển văn hóa đọc trong rèn kỹ năng tự học cho người trẻ của tỉnh khi đã đặt mục tiêu cụ thể và kiên trì thực hiện nhất định trong 5, 10 năm nữa sẽ gặt hái được quả ngọt như mong muốn.
Hiện tại, hơn 2 tuần qua, cuộc thi “Cảm nhận về sách” do Tỉnh Đoàn Bến Tre phối hợp với Dự án Sách cho tương lai tổ chức theo hình thức trực tuyến đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả thống kê tạm thời từ ngày 3-4 đến hết ngày 17-4-2020, số lượng bài viết dự thi được đăng tải trên trang fanpage Sách cho tương lai là 560 bài (đến ngày 20-4-2020, số lượng bài đăng là 752 bài, chưa tính số lượng bài đang chờ được xét duyệt), trên 500 ngàn lượt tiếp cận các bài thi, thu hút 520 ngàn lượt tương tác, trang fanpage Sách cho tương lai thu hút thêm 3.240 lượt thích trang mới, 3.370 lượt theo dõi trang mới… Qua đó cho thấy sức thu hút rất lớn từ sách cũng như các giải pháp phát triển văn hóa đọc đang đi theo chiều hướng tốt. Cuộc thi đang tiếp tục diễn ra đến ngày 27-4-2020.
“Tổ chức cuộc thi Cảm nhận Sách trên trang Facebook Sách cho tương lai, chúng tôi nhận thấy rằng các em học sinh từ Tiểu học đến trung học phổ thông, kể cả Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thanh niên trên địa bàn dân cư đều đang giữ cho mình những quyển sách hay về lịch sử, kỹ năng, văn học… Cả khi chúng tôi tổ chức các chương trình khuyến đọc tại trường THPT, có những em trước đó chưa từng nghĩ mình muốn đọc sách nhưng khi được tặng một quyền sách dạy kỹ năng tự tin trước đám đông em đã đọc cẩn thận, vài tháng sau gửi thư thông báo là em đã tự tin hơn và còn đoạt giải thuyết trình của trường… Những kết quả đó cho Tỉnh đoàn một lòng tin rất lớn vào việc xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi Bến Tre”, chị Lâm Như Quỳnh cho biết.
Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)