Cô Tạ Thị Đức Hưởng ứng hoạt động thiết thực chào mừng kỉ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2014 do Phòng giáo dục- Đào tạo và Công đoàn Giáo dục huyện Mỏ Cày Nam phát động, tôi xin giới thiệu một tấm gương tiêu biểu của người thầy, đó là cô Tạ Thị Đức, giáo viên của Trường THCS Tạ Thị Kiều, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Cô xin ra và lớn lên trong một gia đình lao động, có truyền thống hiếu học ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Từ nhỏ, cô chăm chỉ, ham học và ước mơ sau này trở thành cô giáo trẻ. Năm tháng trôi qua, với sự tận tụy, miệt mài học tập, ước mơ của cô trở thành hiện thực. Năm 1984, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre và được phân công về xã nhà giảng dạy. Vào thời điểm ấy, khó khăn chồng lên khó khăn. Cuộc sống của người giáo viên vô cùng vất vả, thiếu thốn. nhưng cô vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ và vững tin vào ngày mai tươi sáng. Chính lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp cô vượt qua không ít khó khăn của cuộc sống đời thường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 30 năm làm công tác giảng dạy.

Ngay từ buổi đầu ra trường, lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức tiếp thu được ở trường sư phạm và thực tiễn cuộc sống, cô đã giành hết cho những học trò yêu quý của mình. Cô luôn kiên trì, nhẫn nại nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu” và tình yêu nghề, mến trẻ, cô luôn xác định trong công việc phải nỗ lực, cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm tòi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để phục vụ công tác dạy học. Không chỉ dạy tri thức của môn học mà cô còn chú trọng dạy đạo đức, nhân cách, lẽ sống cho nhiều thế hệ học sinh. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ đến từng đối tượng học sinh, nhất là những học sinh khó khăn, yếu kém. Cô thường xuyên động viên, nhắc nhở các em cố gắng vượt qua khó khăn, vươn tới ngày mai tươi sáng. Bằng tình thương và sự nhiệt tình, cô đã giúp nhiều thế hệ học sinh vượt khó và thành đạt trong cuộc sống.

Với học sinh, cô hết lòng yêu thương, còn với đồng nghiệp cô luôn tôn trọng và khiêm nhường, sẳn sàng chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm quí trong giảng dạy và cuộc sống đời thường. Cô luôn quan tâm giúp đỡ mọi người để cùng nhau tiến bộ. Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô luôn động viên giúp đỡ các thành viên trong tổ để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng giảng dạy. dưới sự dẫn dắt của cô Tổ Lý-Công nghệ-Tin Học ngày càng đi lên, chất lượng ngày càng cao có nhiều học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Ở trường, cô là người thầy tận tận tụy, gương mẫu. Ở nhà, cô là vợ hiền, người con thảo, người mẹ hết lòng thương yêu con. Dù bận cho công tác giảng dạy nhiều thời gian nhưng cô vẫn dành thời gian một cách hợp lý để chăm sóc gia đình. Cô chăm lo từng bửa ăn, giấc ngủ cho người mẹ già, dành cho gia đình những bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc. Với sự gương mẫu, dạy dỗ đúng cách, hai con của cô rất ngoan hiền, thành đạt trong học tập và cuộc sống. Với bà con hàng xóm và người xung quanh, cô thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nên được mọi người yêu thương, quí trọng.

Với sự tận tụy vì công việc, hết lòng vì học sinh, trong 30 năm công tác giảng dạy, cô được các cấp khen tặng nhiều giấy khen, bằng khen: giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2005 đến nay, bằng khen của UBND Tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Tôi học tập ở cô sự giản dị, trong sáng trong lối sống, sự tận tụy hết lòng vì công việc, sự cố gắng học tập để hoàn thiện mình. Tôi kính trọng, ngưỡng mộ cô, một người thầy mẫu mực, một gương sáng để tôi và mọi người noi theo. Xin chúc cô luôn vui, khỏe, thành đạt, hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.

Học trò cũ của cô, Đoàn Hồng Duy.

Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn nhủ, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, các nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Sau đây là toàn văn bức thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến!

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2014-2015, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 2-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; chính sách cho học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung kịp thời; việc đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong năm 2014 nhận được sự đồng thuận của xã hội; các đội tuyển của Việt Nam tham gia thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc; giáo dục đại học từng bước đổi mới đồng bộ theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua.

Năm học 2014-2015, ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến; quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tích cực triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Các thầy giáo, cô giáo thân mến!

Tôi thực sự chia sẻ với những khó khăn, vất vả song cũng rất vinh quang của nghề giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã phải hy sinh rất nhiều để nuôi dưỡng, dạy dỗ học trò của mình hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cố gắng hơn nữa vì sự nghiệp “Trồng người”.

Các em học sinh, sinh viên yêu quý!

Các em là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi mong các em chăm chỉ học tập, rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sử dụng thời gian quý giá trong quãng đời học sinh, sinh viên để chuẩn bị tốt hành trang lập thân, lập nghiệp, sau này phụng sự quê hương, đất nước.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trương Tấn Sang

GD&TĐ – Đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay thực sự đổi mới tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra cũng thực sự mở. Tuy nhiên, công đoạn cuối cùng và vô cùng quan trọng vấn là người chấm có “mở” hay không?

Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm

Theo TS Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, năm nay đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, có một số câu hỏi ra theo hướng mở. Hội đồng Chấm thi Sở GD&ĐT Bến Tre đã quán triệt cho giám khảo thực hiện đúng quy định tại hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT. Chấm thi theo hướng dẫn chấm và biểu điểm của Bộ GD&ĐT cung cấp. Hội đồng Chấm thi không làm lại hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ GD&ĐT mà chỉ chi tiết hóa, có hướng dẫn cụ thể hơn cho giám khảo về hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ. Hội đồng chấm thi cũng lưu ý giám khảo linh hoạt trong vận dụng hướng dẫn chấm và biểu điểm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Liên quan đến việc chấm thế nào để thực sự mở, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng: Khi đề thi ra theo hướng mở thì hướng dẫn chấm không thể quy định cứng nhắc, gò vào khung những ý theo quan điểm của người ra đề, nên hướng dẫn chấm phải được làm theo hướng mở. Đặc biệt môn Ngữ văn năm nay có một số câu hỏi ra theo hướng mở, liên hệ với những vấn đề thời sự của đất nước. Tôi cho rằng thực tế bài làm của thí sinh đối với các câu hỏi mở loại này sẽ rất phong phú và đa dạng do suy nghĩ, nhận thức khác nhau của thí sinh. Hướng dẫn chấm cũng có thể chưa dự kiến hết tất cả các tình huống. Do vậy vai trò của giám khảo hết sức quan trọng. Giám khảo phải vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, cho phép thí sinh được triển khai ý tưởng của mình, lưu ý những bài làm có sáng tạo, cảm xúc, miễn sao ý tưởng của thí sinh không đi lạc với yêu cầu của đề thi, không trái với thuần phong, mỹ tục, không trái đạo lý truyền thống, pháp luật là có thể cho điểm.

Coi trọng suy nghĩ chín chắn, bản lĩnh

Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm, cô Lê Thị Thúy Hoàn – Trung tâm GDTX B Ý Yên (Nam Định) cho rằng, mỗi thầy cô giám khảo chấm Văn có sự cảm nhận khác nhau. Chính vì vậy, tổ chấm cần có sự thảo luận bàn bạc thống nhất ở câu hỏi về đoạn văn và đặc biệt là phần viết văn bản vì đáp án không xác định rõ các ý chính có cơ số điểm là bao nhiêu. Các giám khảo chấm cũng cần trao đổi đối với các bài văn của học sinh có sự sáng tạo khi khớp điểm mà có sự chênh lêch. Trên cơ sở đáp án của Bộ GD&ĐT, tổ chấm cần có tiêu chí cụ thể cho từng phần của câu hỏi. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân – Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh – nhận định: Ở phần I, câu 1 và câu 2 chấm khá dễ, không có vấn đề gì đáng bàn vì đáp án đã nêu khá rõ. Câu 3 khó chấm hơn vì là một vấn đề mở và thí sinh được quyền trình bày những suy nghĩ riêng của mình. Tuy sự “bày tỏ thái độ”, theo như đề bài yêu cầu, đã mở ra một không gian khá tự do cho người viết nhưng người chấm tất nhiên cũng có những cái “chuẩn” nhất định để đạt đến sự đồng bộ trong cách đánh giá, tránh được sự chênh lệch giữa các giám khảo. Chắc chắn, trong tuyệt đại đa số bài thi đều bày tỏ thái độ phê phán những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, một bài hay, bên cạnh nhiệt tình của tuổi trẻ đối với đất nước, còn cần thể hiện một độ chín chắn, bản lĩnh trong suy nghĩ. Nghĩa là, bên cạnh sự phê phán đanh thép, kiên quyết và đầy lý lẽ (chứ không phải bồng bột, “đao to búa lớn” nhưng không có sức nặng thuyết phục) biểu lộ một tình cảm yêu nước nồng nhiệt, một ý thức chủ quyền sâu sắc, còn cần bày tỏ những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người, trong đó có bản thân mình, đối với hiện tình đất nước. Đấy là quan niệm không chỉ nói suông mà cần phải làm. Việc làm thiết thực nhất của tuổi trẻ cho đất nước không chỉ là sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần mà còn là tích cực học tập, rèn luyện tài năng và phẩm chất để góp phần làm cho nội lực dân tộc hùng mạnh, từ đó đẩy lùi được tham vọng của ngoại bang.

Hiếu Nguyễn

Anh hùng Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý) sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, cán bộ ban chỉ huy quân sự huyện Mỏ Cày.

Chi tiết

Cô Trịnh Thị Mỹ Hoa Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một chiến sĩ chân chính và cũng là tấm gương đạo đức của một người bình thường với việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người Cán bộ, Đảng viên tốt, người công dân tốt trong xã hội.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tác động đến tất cả Cán bộ, Đảng viên và nhân dân giúp cho mỗi người nhận thức đúng hơn những giá trị cao đẹp của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ khi triển khai cuộc vận động đến nay đã có nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, những hành động và việc làm của họ rất đáng được trân trọng và nêu gương.

Hưởng ứng theo kế hoạch và sự chỉ đạo của Đảng ủy xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam về việc viết bản tin Xuân Giáp Ngọ. Tôi xin giới thiệu một tấm gương điển hình, tiêu biểu về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đó là cô Trịnh Thị Mỹ Hoa, hiệu trưởng trường THCS An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Tôi là học sinh và cũng là đồng nghiệp của cô trong suốt 33 năm cô giảng dạy và làm cán bộ quản lý tại trường THCS An Thạnh. Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dạy học ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Truyền thống gia đình và truyền thống cách mạng của quê hương đã sớm hun đúc tâm hồn cô lòng yêu thương đất nước, muốn cống hiến cho quê hương.

Nối tiếp truyền thống dạy học của gia đình, cũng là ước nguyện, cô đã vào ngành sư phạm và đã gắn bó 33 năm dạy học và làm cán bộ quản lý, ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong giảng dạy, với kinh nghiệm, lòng nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, cô đã truyền kiến thức môn học rất tự nhiên và dễ hiểu nên chất lượng giảng của cô lúc nào cũng đạt kết quả cao trong các kì thi. Không chỉ dạy tri thức của môn học mà cô còn chú trọng dạy nhân cách và lẽ sống cho bao thế hệ học sinh “Văn học là nhân học”. Cô luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh nhất là học sinh yếu, kém. Cô thường xuyên nhắc, động viên các em cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn để vươn tới tương lai tốt đẹp. Bằng tình thương và sự nhiệt tình nên nhiều thế hệ học sinh đã vượt qua khó khăn, đã thành đạt và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Với học sinh thì cô hết lòng thương yêu còn với đồng nghiệp cô luôn tôn trọng, khiêm nhường và sẳn sàng chia sẽ những kinh nghiệm, bài học hay trong giáo dục, cô luôn giúp đỡ mọi người để cùng nhau tiến bộ nên được mọi người tin yêu quí trọng.
Trong quản lý, cô phân công giao việc cho các thành viên trong nhà trường công bằng hợp lý, đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực của mỗi người. Cô luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người. Giải quyết công việc hợp tình hợp lý được sự đồng thuận cao. Cô luôn quan tâm giúp đỡ mọi người nhất là những thầy, cô có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hay chuyên môn nghiệp vụ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tôi học tập được ở cô sự tân tụy hết lòng vì công việc và cố gắng học tập vươn lên để hoàn thiện mình. Cô thường xuyên đến trường sớm và về muộn hơn mọi người, không quản khó khăn vất vả sẳn sàng gánh công việc nặng nhọc về mình. Cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Dù công việc ngày càng nhiều do yêu cầu Giáo dục ngày càng cao nhưng cô vẫn luôn cố gắng học tập chuyên môn nghiệp vụ để nâng trình độ. Ngoài ra, cô còn tự nghiên cứu tài liệu, sách báo, mạng internet để tích lũy những kinh nghiệm, những bài học hay trong dạy học và quản lý.

Ở trường cô là giáo viên, là cán bộ quản lý gương mẫu. Ở nhà là người con hiếu thảo, hết lòng chăm sóc cho cha mẹ già, lo từng bửa ăn, giấc ngủ. Cô là người chị, người em, người cô, người dì hết lòng thương yêu các thành viên trong gia đình. Với xóm giềng, cô luôn quan tâm hết lòng giúp đỡ.

Ở cô, tôi luôn thấy sự chân thành, cởi mở, sự hòa đồng, sự giản dị và tin thần lạc quan luôn tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp.

Với sự nhiệt tình, tân tụy hết lòng vì công việc, hết lòng vì mọi người nên cô đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh nhiều năm liền. Trường THCS An Thạnh dưới sự dẫn dắt của cô ngày càng đi lên, là trường Tiên tiến cấp huyện nhiều năm liền, trường Đạt Chuẩn Quốc gia năm 2013, trở thành trường trọng điểm, chất lượng của huyện Mỏ Cày Nam.

Qua bài viết này, tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ, sự kính trọng cô một người thầy tận tụy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng là người giáo viên gương mẫu của đơn vị.

Đoàn Văn Trai

Trường trung học cơ sở An Thạnh được thành lập năm 1995, là một trong những ngôi trường có bề dày thành tích của huyện Mỏ Cày Nam. Những ngày đầu trường mới thành lập chỉ với những phòng học thô sơ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, không đủ giáo viên giảng dạy. Với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể nhà trường, sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp lãnh đạo, ngày 26/6/2013 trường vinh dự được UBND tỉnh Bến Tre quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường có tổng diện tích 19.000 m2, có 24 phòng học, 11 phòng chức năng, tất cả đều được trang bị thiết bị làm việc và học tập đáp ứng yêu cầu. Trong năm học vừa qua nhà trường có 72 cán bộ giáo viên và nhân viên, trong đó có 22 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 38 học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Ngoài việc thực hiện tốt các giờ học chính khoá, nhà trường còn chú trọng tổ chức tốt các giờ học ngoại khoá nhằm giáo dục kỹ năng sống, nâng cao kỹ năng thực hành, rèn luyện thể chất, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật cho học sinh, giúp các em phát triển một cách toàn diện.

Nhờ làm tốt công tác tham mưu và xã hội hoá giáo dục nên nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với kết quả đã đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vượt khó đi lên, tin tưởng rằng nhà trường sẽ luôn xứng đáng với sự tin yêu của phụ huynh học sinh và tiếp tục quyết tâm phấn đấu vững bước tiến lên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong những năm tiếp theo.

Triệu Thành Vinh