GD&TĐ – Thầy Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre – cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức góp ý cho dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.

Nhiều ưu điểm được kế thừa

Thầy Nguyễn Văn Huấn cho biết, mặc dù mới là dự thảo, nhưng nội dung Bộ GD&ĐT đưa ra có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho thí sinh. Việc Bộ tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo thể hiện sự cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện của toàn xã hội, trong đó có cán bộ quản lý, giáo viên và nhất là học sinh, những người trong cuộc.

Trước hết, phải nói rằng dự thảo quy chế kế thừa những ưu điểm của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong những năm qua.

Chẳng hạn, việc tổ chức thi theo cụm liên tỉnh là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. Việc tổ chức cụm thi tỉnh cho những địa phương khó khăn cũng tạo điều kiện thuận lợi, giúp thí sinh không phải đi xa.

Quy định về miễn thi và tính điểm tối đa môn ngoại ngữ cho học sinh đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp là hoàn toàn đúng đắn, vì thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi có cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, không chỉ có đọc và viết như nội dung thi hiện nay với mức độ cao hơn nhiều so với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc THPT.

Một điểm mới, tạo thuận lợi cho thí sinh nữa trong dự thảo quy chế là quy định:

Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang 10 điểm hoặc 10,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang điểm 20 cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó, áp dụng cho cả thí sinh giáo dục THPT, chứ không phải chỉ cho thí sinh hệ GDTX như trước đây.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm liên đới giữa ngành GD&ĐT với các ngành khác từ Trung ương xuống đến tỉnh, thành phố; trách nhiệm của UBND tỉnh qua việc thành lập các Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia và cấp tỉnh; quy định trách nhiệm cụ thể trong phối hợp tổ chức kì giữa Sở GD&ĐT, trường đại học và trường THPT, trung tâm GDTX, tạo thuận lợi cho việc tổ chức kì thi.

Cần thể hiện rõ hơn việc thành lập các điểm thi

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Huấn cũng đặt vấn đề: Do việc tổ chức thi theo cụm với số lượng cụm thi nhiều hơn, mở rộng ra cả nước, trong đó có những tỉnh khó khăn, nên Bộ GD&ĐT cần có tính toán kỹ để việc tổ chức, điều hành cụm thi và thí sinh được thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi ở cụm thi tỉnh giống như ở cụm thi liên tỉnh, cùng một quy trình và đều do trường đại học chủ trì thì không nên phân biệt cụm thi nào sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp, cụm thi nào xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh cao đẳng, đại học và cho phép thí sinh ở cụm thi tỉnh cũng được quyền sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, về việc tổ chức thi cụm liên tỉnh, theo thầy Nguyễn Văn Huấn, dự thảo cũng chưa thể hiện rõ sẽ phải thành lập các điểm thi như thế nào.

Ví dụ, nếu số lượng thí sinh ở cụm thi gồm 2 tỉnh khoảng 20.000 đến 30.000 thí sinh, thì thí sinh không thể tập trung ở một số ít điểm thi trong một hoặc hai thành phố được vì không thể đảm bảo điều kiện phòng thi, nơi ăn ở cho thí sinh, nên phải chia thí sinh ở rất nhiều điểm thi ở ở các huyện của 2 tỉnh.

Việc điều hành cụm thi ở liên tỉnh với hàng trăm điểm thi như vậy sẽ hết sức khó khăn đối với trường đại học chủ trì trong khi mỗi điểm thi đều phải có lực lực lượng của trường đại học. Bộ GD&ĐT cần dự kiến trước tình huống này…

Vai trò quan trọng của Sở GD&ĐT

Dù trường đại học chủ trì việc tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, nhưng theo thầy Nguyễn Văn Huấn, vai trò của Sở GD&ĐT cũng rất quan trọng.

Thể hiện qua việc tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi; điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; xét, duyệt công nhận tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến lùi thời gian thi vào đầu tháng 7, Sở GD&ĐT Bến Tre sẽ chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý tốt học sinh, tiếp tục ôn tập cho các em trong thời gian khoảng 1 tháng từ khi kết thúc năm học.

“Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức góp ý cho dự thảo để đảm bảo việc thực hiện được thuận lợi, khả thi.

Sau khi tiếp nhận dự thảo, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để định hướng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường và trung tâm về những đổi mới trong kì thi, xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng sắp tới” – Thầy Huấn cho hay.

Nên bổ sung thêm bản sao Giấy khai sinh vào hồ sơ ĐKDT

Thầy Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum – cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Kon Tum đã tổ chức cho các đơn vị trực thuộc cùng với lãnh đạo Sở nghiên cứu, thảo luận và thống nhất một số ý kiến góp ý dự thảo quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, về cơ bản, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum thống nhất những nội dung trong dự thảo quy chế. Nội dung trong dự thảo rõ ràng, cụ thể và đã quán xuyến được toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng có một số nội dung cần trao đổi thêm.

Thứ nhất, về mục 3 trong Điều 13, tại trang 8, Sở đề nghị:

Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên bổ sung thêm bản sao Giấy khai sinh để làm văn bản gốc đối chiếu các thông tin trong phiếu đăng ký dự thi, học bạ, các giấy chứng nhận ưu tiên khuyến khích…

Lý do: Vì nếu không có Giấy khai sinh làm gốc thì không có cơ sở để kiểm tra và xác định sự thống nhất và tính chính xác các thông tin trong các văn bản khác như: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, tôn giáo…Điều này có thể dẫn đến sai sót trong hố sơ đăng ký dự thi và các loại giấy tờ khác.

Về mục 4 trong Điều 13, tại trang 9, Sở nhận thấy: Trong hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT bao gồm cả Bằng tốt nghiệp trung cấp (ở điểm c) là chưa hợp lý.

Về mục 5 trong Điều 13, tại trang 9, Sở đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1/4 đối với năm học này (năm học 2014 – 2015); xin điều chỉnh sang 1/5/2015.

Bởi thời gian đó các đơn vị khó có thể hoàn thành chương trình năm học và hoàn tất các thủ tục hồ sơ của học sinh.

Hiếu Nguyễn (ghi)

GD&TĐ – Câu chuyện về đầu tư trang thiết bị, máy móc để triển khai được Đề án Ngoại ngữ 2020 đã được nhắc tới từ lâu. Vấn đề đặt ra là: Mua những thiết bị gì , sử dụng ra sao và công tác đào tạo giáo viên như thế nào đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội.

Mua đúng, mua đủ

Từ năm 2011 đến 2013, tỉnh Bến Tre đã trang bị phòng học ngoại ngữ cho 82 trường TH, THCS và THPT (gồm 33 trường TH, 32 trường THCS và 17 trường THPT); trong đó có 10 trường TH, 17 THCS và Trường THPT chuyên Bến Tre được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ đầy đủ gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể, 1 bộ điều khiển trung tâm giáo viên, 1 bộ điều khiển cho 40 học sinh và phần mềm dạy-học tiếng Anh.

Số trường còn lại được trang bị phòng học ngoại ngữ cơ bản gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể và 1 máy tính giáo viên.

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn nên Bến Tre đã chọn giải pháp: Không mua sắm trang thiết bị dàn trải mà đầu tư có chọn lọc, mua đúng, mua đủ và điều quan trọng là phải phù hợp với năng lực, trình độ của giáo viên để khai thác thiết bị một cách hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, kinh nghiệm của địa phương là: Tỉnh chỉ tập trung đầu tư ở một số trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia và những trường có nhiều giáo viên đạt chuẩn.

Sở GD&ĐT ưu tiên tập trung kinh phí để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, bởi đây mới chính là lực lượng nòng cốt để triển khai Đề án vào thực tiễn có hiệu quả.

Sau đó Sở tiến hành tổ chức tập huấn sử dụng các trang thiết bị dạy học cho các giáo viên khác; chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng trang thiết bị dạy học ngoại ngữ một cách thường xuyên và hiệu quả.

Bằng phương pháp này mà đa số các trường được trang bị phòng ngoại ngữ đều khai thác tích cực, hiệu quả các thiết bị; các giáo viên kể cả các giáo viên ngoài tiếng Anh đã sử dụng các trang thiết bị một cách thường xuyên và khá thành thạo, bước đầu tạo được hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường.

Để tránh lãng phí trong việc mua sắm thiết bị, Sở đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác mua sắm trang thiết bị theo hướng tập trung, ưu tiên cho các trường có đủ điều kiện (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn,…); trang bị các trang thiết bị cơ bản, thực sự cấp thiết cho việc dạy tiếng Anh (bảng tương tác, máy chiếu vật thể, máy tính cho giáo viên, máy nghe, các phần mềm dạy học….).

Từ năm 2011 đến 2013, tỉnh Bến Tre đã trang bị phòng học ngoại ngữ cho 82 trường TH, THCS và THPT (gồm 33 trường TH, 32 trường THCS và 17 trường THPT); trong đó có 10 trường TH, 17 THCS và Trường THPT chuyên Bến Tre được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ đầy đủ gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể, 1 bộ điều khiển trung tâm giáo viên, 1 bộ điều khiển cho 40 học sinh và phần mềm dạy-học tiếng Anh.

Số trường còn lại được trang bị phòng học ngoại ngữ cơ bản gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể và 1 máy tính giáo viên.

Chấn chỉnh mua sắm trang thiết bị

Trên thực tế đã xảy ra tình trạng có nơi thì thừa, có nơi thì vẫn còn thiếu trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác dạy và học. Đã có những câu chuyện về việc có nơi mua cả một phòng multimedia rồi “đắp chiếu” để đó, hoặc đầu tư máy móc, thiết bị nhưng không hỏi ý kiến “người sử dụng” là giáo viên trực tiếp giảng dạy, dẫn đến mua tràn lan các trang thiết bị bất chấp đó là những thiết bị đã cũ, đã lỗi thời.

Một thực tế khác đó là nhiều nơi thay vì tập trung đầu tư nâng chuẩn giáo viên, thì lại chỉ “chăm” mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên dẫn đến hiệu quả không cao.


Bà Vũ Thị Tú Anh

Để chấn chỉnh thực trạng trên, TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết:

Năm 2014, Đề án đang tiến hành các đánh giá về hiệu quả, chất lượng sử dụng các trang thiết bị, nguồn học liệu phục vụ đổi mới dạy học Ngoại ngữ từ các nguồn vốn khác nhau tại các địa phương, đơn vị để xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phù hợp trong giai đoạn tới.Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã chấn chỉnh bằng các hướng dẫn cụ thể tại Công văn: 7842/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 28/10/2013 về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; Công văn 63/BGDĐT-KHTC ngày 06/01/2014 về việc sử dụng kinh phí CTMTQG giáo dục và đào tạo cho Đề án 2020.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn 4716/BGDĐT-ĐANN ngày 29/8/2014 về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ Đề án NNQG 2020 tại các đơn vị để tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của địa phương, đơn vị.

Mặt khác, Đề án cũng đang phối hợp với ĐH Hà Nội xây dựng các mô hình thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy học Ngoại ngữ hiệu quả; các chương trình, tài liệu tập huấn sử dụng trang thiết bị, các nguồn học liệu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị cho cán bộ, giáo viên, giảng viên.

Minh Phong

TTO – Chọn cụm thi thế nào, xét tuyển ĐH thế nào, cấu trúc đề thi, các tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015… là những quan hàng đầu của học sinh tỉnh Kon Tum.

Không được mang Atlat, bảng tuần hoàn vào phòng thi Một số học sinh băn khoăn kỳ thi năm nay gộp chung tốt nghiệp và ĐH, như vậy có cho mang Atlat và bảng tuần hoàn vào phòng thi hay không bởi kỳ thi tốt nghiệp những năm trước có cho mang vào phòng thi. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết kỳ thi năm 2015 được tổ chức như kỳ thi ĐH nên thí sinh không được mang Atlat hay bảng tuần hoàn vào phòng thi. Chỉ được mang bút, thước… theo qui định.

Gần 3000 học sinh tỉnh Kon Tum tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp cùnhg Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp tổ chức sáng 27-12 tại Trường THPT Kon Tum.

Nghe xong, về tư vấn chọn trường

Để đến tham gia chương trình, thầy trò Trường dân tộc nội trú Tu Mơ Rông – cách TP Kon Tum gần 100km – phải đón xe từ 4g15 sáng. Toàn bộ học sinh của trường là người dân tộc thiểu số.

Theo thầy Lê Thành Công – giáo viên trường – cho biết năm 2014 không có học sinh nào đậu ĐH, chủ yếu là đậu CĐ.

Những năm trước có nhưng chỉ 1, 2 em. Năm nay trường bắt đầu tư vấn định hướng khối thi cho các em còn thông tin về trường và ngành thì còn phải chở vì chưa có nhiều thông tin. Sau buổi này sẽ có nhiều thông tin hơn để định hướng chọn trường và ngành cho các em.

Tương tự, thầy A Ten – Bí thư đoàn trường Trường dân tộc nội trú Sa Thầy (huyện sa Thầy) – cho biết chưa có thông tin gì để tư vấn cho các em. Năm nay có quá nhiều đổi với về thi và tuyển sinh nên sau buổi này sẽ tư vấn cho học sinh kỹ hơn.

Trong khi đó, để ghi nhận đầy đủ thông tin của buổi tư vấn, thầy trò Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ngọc Hồi) mang theo máy quay phim và ghi lại toàn bộ chương trình tư vấn.

Giáo viên trường cho biết đôi khi nghe sẽ bỏ sót thông tin nên quay lại để về xem kỹ hơn làm tư liệu tư vấn cho học sinh.

Tư vấn về kỳ thi THPT quốc gia

Sau phần trình bày những điểm mới của dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 của PGS-TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, nhiều câu hỏi của học sinh và giáo viên bày tỏ những băn khoăn về kỳ thi này.

Một số học sinh băn khoăn về vấn đề cụm thi, cách xét tuyển ĐH, CĐ, chính sách ưu tiên… trong kỳ thi năm 2015. Thầy Nguyễn Hóa – phó giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum – cho biết dự thảo quy chế có điều khoản đối với những tỉnh có điều kiện khó khăn có thể để xuất Bộ GD-ĐT tổ chức cụm thi địa phương.

Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất tổ chức cụm thi xét tốt nghiệp THPT tại địa phương. Tuy vậy, muốn xét tuyển ĐH, CĐ học sinh phải tham gia cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì.

Đối với vấn đề xét tuyển, sau khi tư vấn cách chọn cụm thi, hình thức xét tuyển các nguyện vọng, TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng năm 2015 cơ hội xét tuyển ĐH, CĐ của thí sinh sẽ nhiều hơn bởi bên cạnh các trường xét tuyển kết quả từ cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhiều trường vừa xét tuyển kết quả từ cụm ĐH chủ trì vừa xét tuyển cả kết quả tốt nghiệp THPT. Ngoài ra cũng có rất nhiều trường CĐ, CĐ nghề xét kết quả tốt nghiệp THPT.

Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng có nhiều băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia. Cô Lê Thị Thanh Hà – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 Trường THPT Kon Tum – lo lắng: mọi năm thang điểm 10 và đề thi tốt nghiệp THPT tương đối dễ, thí sinh làm được 5 điểm là đậu (50% đề thi).

Năm nay gộp chung đề thi ĐH và tốt nghiệp THPT làm một, nguyên tắc thì học sinh chỉ cần làm được 25% đề là đậu nhưng thực tế phải làm được 50% mới đậu tốt nghiệp. Như thế học sinh trung bình sẽ bị rớt tốt nghiệp rất nhiều.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định thang điểm cũng như mọi năm nhưng nhân đôi lên thành thang điểm 20.

Cấu trúc đề thi vẫn như các năm trước và bộ đã có khảo sát để và khẳng định để thi sẽ đảm bảo tính phân loại để xét tuyển ĐH, CĐ cũng như có thể đánh giá học sinh để xét tốt nghiệp THPT – tức đạt được mức tối thiểu để xét tốt nghiệp.

Không được mang Atlat, bảng tuần hoàn vào phòng thi Một số học sinh băn khoăn kỳ thi năm nay gộp chung tốt nghiệp và ĐH, như vậy có cho mang Atlat và bảng tuần hoàn vào phòng thi hay không bởi kỳ thi tốt nghiệp những năm trước có cho mang vào phòng thi. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết kỳ thi năm 2015 được tổ chức như kỳ thi ĐH nên thí sinh không được mang Atlat hay bảng tuần hoàn vào phòng thi. Chỉ được mang bút, thước… theo qui định.

“Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, trường THCS Tạ Thị Kiều chúc mừng tất cả quý thầy cô giáo. Chúc quý thầy cô luôn được dồi dào sức khỏe, có thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành đạt. Thay mặt cho các em học sinh thân yêu của trường kính tặng quý thấy cô những đóa hoa tươi thắm nhất.”










Cô Tạ Thị Đức Hưởng ứng hoạt động thiết thực chào mừng kỉ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2014 do Phòng giáo dục- Đào tạo và Công đoàn Giáo dục huyện Mỏ Cày Nam phát động, tôi xin giới thiệu một tấm gương tiêu biểu của người thầy, đó là cô Tạ Thị Đức, giáo viên của Trường THCS Tạ Thị Kiều, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Cô xin ra và lớn lên trong một gia đình lao động, có truyền thống hiếu học ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Từ nhỏ, cô chăm chỉ, ham học và ước mơ sau này trở thành cô giáo trẻ. Năm tháng trôi qua, với sự tận tụy, miệt mài học tập, ước mơ của cô trở thành hiện thực. Năm 1984, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre và được phân công về xã nhà giảng dạy. Vào thời điểm ấy, khó khăn chồng lên khó khăn. Cuộc sống của người giáo viên vô cùng vất vả, thiếu thốn. nhưng cô vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ và vững tin vào ngày mai tươi sáng. Chính lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp cô vượt qua không ít khó khăn của cuộc sống đời thường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 30 năm làm công tác giảng dạy.

Ngay từ buổi đầu ra trường, lòng yêu nghề, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức tiếp thu được ở trường sư phạm và thực tiễn cuộc sống, cô đã giành hết cho những học trò yêu quý của mình. Cô luôn kiên trì, nhẫn nại nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu” và tình yêu nghề, mến trẻ, cô luôn xác định trong công việc phải nỗ lực, cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm tòi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để phục vụ công tác dạy học. Không chỉ dạy tri thức của môn học mà cô còn chú trọng dạy đạo đức, nhân cách, lẽ sống cho nhiều thế hệ học sinh. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ đến từng đối tượng học sinh, nhất là những học sinh khó khăn, yếu kém. Cô thường xuyên động viên, nhắc nhở các em cố gắng vượt qua khó khăn, vươn tới ngày mai tươi sáng. Bằng tình thương và sự nhiệt tình, cô đã giúp nhiều thế hệ học sinh vượt khó và thành đạt trong cuộc sống.

Với học sinh, cô hết lòng yêu thương, còn với đồng nghiệp cô luôn tôn trọng và khiêm nhường, sẳn sàng chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm quí trong giảng dạy và cuộc sống đời thường. Cô luôn quan tâm giúp đỡ mọi người để cùng nhau tiến bộ. Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô luôn động viên giúp đỡ các thành viên trong tổ để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng giảng dạy. dưới sự dẫn dắt của cô Tổ Lý-Công nghệ-Tin Học ngày càng đi lên, chất lượng ngày càng cao có nhiều học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Ở trường, cô là người thầy tận tận tụy, gương mẫu. Ở nhà, cô là vợ hiền, người con thảo, người mẹ hết lòng thương yêu con. Dù bận cho công tác giảng dạy nhiều thời gian nhưng cô vẫn dành thời gian một cách hợp lý để chăm sóc gia đình. Cô chăm lo từng bửa ăn, giấc ngủ cho người mẹ già, dành cho gia đình những bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc. Với sự gương mẫu, dạy dỗ đúng cách, hai con của cô rất ngoan hiền, thành đạt trong học tập và cuộc sống. Với bà con hàng xóm và người xung quanh, cô thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nên được mọi người yêu thương, quí trọng.

Với sự tận tụy vì công việc, hết lòng vì học sinh, trong 30 năm công tác giảng dạy, cô được các cấp khen tặng nhiều giấy khen, bằng khen: giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2005 đến nay, bằng khen của UBND Tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Tôi học tập ở cô sự giản dị, trong sáng trong lối sống, sự tận tụy hết lòng vì công việc, sự cố gắng học tập để hoàn thiện mình. Tôi kính trọng, ngưỡng mộ cô, một người thầy mẫu mực, một gương sáng để tôi và mọi người noi theo. Xin chúc cô luôn vui, khỏe, thành đạt, hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.

Học trò cũ của cô, Đoàn Hồng Duy.

Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắn nhủ, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, các nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Sau đây là toàn văn bức thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến!

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2014-2015, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 2-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; chính sách cho học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung kịp thời; việc đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong năm 2014 nhận được sự đồng thuận của xã hội; các đội tuyển của Việt Nam tham gia thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc; giáo dục đại học từng bước đổi mới đồng bộ theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua.

Năm học 2014-2015, ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến; quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tích cực triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Các thầy giáo, cô giáo thân mến!

Tôi thực sự chia sẻ với những khó khăn, vất vả song cũng rất vinh quang của nghề giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã phải hy sinh rất nhiều để nuôi dưỡng, dạy dỗ học trò của mình hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi mong các thầy giáo, cô giáo tiếp tục cố gắng hơn nữa vì sự nghiệp “Trồng người”.

Các em học sinh, sinh viên yêu quý!

Các em là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi mong các em chăm chỉ học tập, rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, sử dụng thời gian quý giá trong quãng đời học sinh, sinh viên để chuẩn bị tốt hành trang lập thân, lập nghiệp, sau này phụng sự quê hương, đất nước.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Trương Tấn Sang