GD&TĐ – Thầy Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre – cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức góp ý cho dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.

Nhiều ưu điểm được kế thừa

Thầy Nguyễn Văn Huấn cho biết, mặc dù mới là dự thảo, nhưng nội dung Bộ GD&ĐT đưa ra có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi cho thí sinh. Việc Bộ tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo thể hiện sự cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện của toàn xã hội, trong đó có cán bộ quản lý, giáo viên và nhất là học sinh, những người trong cuộc.

Trước hết, phải nói rằng dự thảo quy chế kế thừa những ưu điểm của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong những năm qua.

Chẳng hạn, việc tổ chức thi theo cụm liên tỉnh là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. Việc tổ chức cụm thi tỉnh cho những địa phương khó khăn cũng tạo điều kiện thuận lợi, giúp thí sinh không phải đi xa.

Quy định về miễn thi và tính điểm tối đa môn ngoại ngữ cho học sinh đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp là hoàn toàn đúng đắn, vì thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi có cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, không chỉ có đọc và viết như nội dung thi hiện nay với mức độ cao hơn nhiều so với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc THPT.

Một điểm mới, tạo thuận lợi cho thí sinh nữa trong dự thảo quy chế là quy định:

Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang 10 điểm hoặc 10,0 điểm trở lên đối với bài thi chấm theo thang điểm 20 cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó, áp dụng cho cả thí sinh giáo dục THPT, chứ không phải chỉ cho thí sinh hệ GDTX như trước đây.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm liên đới giữa ngành GD&ĐT với các ngành khác từ Trung ương xuống đến tỉnh, thành phố; trách nhiệm của UBND tỉnh qua việc thành lập các Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia và cấp tỉnh; quy định trách nhiệm cụ thể trong phối hợp tổ chức kì giữa Sở GD&ĐT, trường đại học và trường THPT, trung tâm GDTX, tạo thuận lợi cho việc tổ chức kì thi.

Cần thể hiện rõ hơn việc thành lập các điểm thi

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Huấn cũng đặt vấn đề: Do việc tổ chức thi theo cụm với số lượng cụm thi nhiều hơn, mở rộng ra cả nước, trong đó có những tỉnh khó khăn, nên Bộ GD&ĐT cần có tính toán kỹ để việc tổ chức, điều hành cụm thi và thí sinh được thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi ở cụm thi tỉnh giống như ở cụm thi liên tỉnh, cùng một quy trình và đều do trường đại học chủ trì thì không nên phân biệt cụm thi nào sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp, cụm thi nào xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh cao đẳng, đại học và cho phép thí sinh ở cụm thi tỉnh cũng được quyền sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, về việc tổ chức thi cụm liên tỉnh, theo thầy Nguyễn Văn Huấn, dự thảo cũng chưa thể hiện rõ sẽ phải thành lập các điểm thi như thế nào.

Ví dụ, nếu số lượng thí sinh ở cụm thi gồm 2 tỉnh khoảng 20.000 đến 30.000 thí sinh, thì thí sinh không thể tập trung ở một số ít điểm thi trong một hoặc hai thành phố được vì không thể đảm bảo điều kiện phòng thi, nơi ăn ở cho thí sinh, nên phải chia thí sinh ở rất nhiều điểm thi ở ở các huyện của 2 tỉnh.

Việc điều hành cụm thi ở liên tỉnh với hàng trăm điểm thi như vậy sẽ hết sức khó khăn đối với trường đại học chủ trì trong khi mỗi điểm thi đều phải có lực lực lượng của trường đại học. Bộ GD&ĐT cần dự kiến trước tình huống này…

Vai trò quan trọng của Sở GD&ĐT

Dù trường đại học chủ trì việc tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, nhưng theo thầy Nguyễn Văn Huấn, vai trò của Sở GD&ĐT cũng rất quan trọng.

Thể hiện qua việc tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi; điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; xét, duyệt công nhận tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến lùi thời gian thi vào đầu tháng 7, Sở GD&ĐT Bến Tre sẽ chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý tốt học sinh, tiếp tục ôn tập cho các em trong thời gian khoảng 1 tháng từ khi kết thúc năm học.

“Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức góp ý cho dự thảo để đảm bảo việc thực hiện được thuận lợi, khả thi.

Sau khi tiếp nhận dự thảo, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để định hướng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường và trung tâm về những đổi mới trong kì thi, xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng sắp tới” – Thầy Huấn cho hay.

Nên bổ sung thêm bản sao Giấy khai sinh vào hồ sơ ĐKDT

Thầy Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum – cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Kon Tum đã tổ chức cho các đơn vị trực thuộc cùng với lãnh đạo Sở nghiên cứu, thảo luận và thống nhất một số ý kiến góp ý dự thảo quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, về cơ bản, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum thống nhất những nội dung trong dự thảo quy chế. Nội dung trong dự thảo rõ ràng, cụ thể và đã quán xuyến được toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng có một số nội dung cần trao đổi thêm.

Thứ nhất, về mục 3 trong Điều 13, tại trang 8, Sở đề nghị:

Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên bổ sung thêm bản sao Giấy khai sinh để làm văn bản gốc đối chiếu các thông tin trong phiếu đăng ký dự thi, học bạ, các giấy chứng nhận ưu tiên khuyến khích…

Lý do: Vì nếu không có Giấy khai sinh làm gốc thì không có cơ sở để kiểm tra và xác định sự thống nhất và tính chính xác các thông tin trong các văn bản khác như: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, tôn giáo…Điều này có thể dẫn đến sai sót trong hố sơ đăng ký dự thi và các loại giấy tờ khác.

Về mục 4 trong Điều 13, tại trang 9, Sở nhận thấy: Trong hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT bao gồm cả Bằng tốt nghiệp trung cấp (ở điểm c) là chưa hợp lý.

Về mục 5 trong Điều 13, tại trang 9, Sở đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu lại hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1/4 đối với năm học này (năm học 2014 – 2015); xin điều chỉnh sang 1/5/2015.

Bởi thời gian đó các đơn vị khó có thể hoàn thành chương trình năm học và hoàn tất các thủ tục hồ sơ của học sinh.

Hiếu Nguyễn (ghi)