Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị, sẵn sàng tiếp đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài phòng chống dịch Covid-19. Các đơn vị ưu tiên vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe, củng cố kiến thức cho các em học sinh.
Tiêu độc khử khuẩn
Ngoài công tác dạy học trực tuyến, các trường trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị tốt các khâu để học sinh có thể trở lại trường an toàn bất kỳ lúc nào khi có chỉ đạo của cấp trên.
Tại Trường THCS Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc), hàng ngày, trường phân công 1 tổ giáo viên tham gia trực trường và thực hiện vệ sinh, khử khuẩn. Trường đã trang bị khá đầy đủ các phương tiện khử khuẩn, hóa chất và khẩu trang cho học sinh phòng chống dịch Covid-19. Nhà trường đang đề nghị mua thêm 1 – 3 máy đo thân nhiệt để phục vụ kiểm tra nhiệt độ cơ thể khi học sinh trở lại trường.
Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Viết Chánh (Giồng Trôm) Huỳnh Thị Hà cho hay: Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học trong thời gian tới, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường vẫn đang tích cực vận động thêm các nguồn hỗ trợ khẩu trang phát cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Kế hoạch trong thời gian học sinh học tại trường, mỗi ngày khử khuẩn 1 lần, sau buổi học. Trường sẽ bố trí lực lượng lau khử khuẩn, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh; lau tay nắm cửa, tay vịn lan can; mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt; Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý mỗi ngày 2 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước khi học sinh trở lại trường, điều đầu tiên cần thực hiện là vệ sinh ngoại cảnh, phát quang bụi rậm, không để nước đọng. Khử khuẩn trường học, phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì nhà trường thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Đồng thời, đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.
Ngoài ra, y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh trong vòng 14 ngày trước đó. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ. Trường hợp không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần. Trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.
Hệ thống lại kiến thức
Sau hơn 1 tháng triển khai dạy – học trực tuyến và qua kênh truyền hình, nhiều đơn vị trường học đã cập nhật kiến thức mới trên cơ sở hướng dẫn nội dung giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Tại Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Nam, có 69 giáo viên trực tiếp dạy trực tuyến. Hầu hết giáo viên trẻ tiếp cận tốt với công nghệ thông tin cùng với sự hỗ trợ của VNPT, các phần mềm học trực tuyến đáp ứng được việc dạy – học trong tình hình phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng học sinh tiếp cận chưa đồng đều do các em hạn chế phương tiện học tập online. Đến thời điểm này, học sinh Trường THCS thị trấn Mỏ Cày Nam tham gia học trực tuyến môn nhiều nhất trên 80%, các môn còn lại đạt từ 50% trở lên.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo các đơn vị trường học sẽ tổ chức ôn tập lại mới tiến hành kiểm tra định kỳ. Dự kiến, trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ dành thời gian để giáo viên hệ thống lại kiến thức đã dạy qua internet, qua truyền hình. Sau khi ôn tập, củng cố kiến thức, các trường sẽ thực hiện dạy kiến thức mới theo chương trình đã tinh giản của Bộ GD&ĐT.
Hiệu trường Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày Nam Đỗ Hữu Thật cho hay: đối với học sinh chưa tiếp cận được với học trực tuyến hay học trên truyền hình thì trường sẽ phân loại, gom lại theo nhóm để tổ chức phụ đạo giúp em nắm và bắt kịp kiến thức so với các bạn đã được học trực tuyến. Nhà trường sẽ quy định khung thời gian nhất định cho giáo viên dạy, trên cơ sở gom kiến thức chính, cơ bản nhất để các em nắm.
Theo hướng dẫn chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT, có khi 2 bài ghép lại 1 bài, có những bài buộc học sinh tự học và nghiên cứu ở nhà. Với chương trình giảm tải, việc tự học của học sinh góp phần rất lớn tới chất lượng học tập. Do đó, để quản lý học sinh lười học, học yếu, giáo viên chủ nhiệm các trường đã liên hệ trực tiếp và chặt hơn với gia đình để thực hiện kiểm tra việc học của các em.
Đánh giá việc học sinh của lớp tham gia học trực tuyến đạt chỉ 20%, cô Lữ Thị Thùy Vân – giáo viên chủ nhiệm khối lớp 4 Trường Tiểu học Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) chủ động liên hệ phụ huynh để hỗ trợ, theo dõi việc học tại nhà của mỗi em thông qua việc làm bài tập, vào các kênh ti vi trực tuyến tự ôn tập tại nhà.
“Việc học trực tuyến phần nào đảm bảo sự tương tác của giáo viên với học sinh và cung cấp kiến thức cơ bản cho các em trong tình hình chung cả nước phòng chống dịch Covid-19. Để đảm bảo kiến thức học trực tuyến là kiến thức thật và hạn chế tình trạng chia sẻ, copy bài giữa các em, tôi luôn làm mới bài tập để tránh trùng đề khi giao bài tập cho các em. Nhờ đó, các em có sự học tập nghiêm túc, có kiến thức nhất định trong thời gian qua”, cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường THCS Phước Mỹ Trung chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Phước Mỹ Trung Đoàn Văn Vui, để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là khối 9 vừa thi xét tốt nghiệp và thi tuyển lớp 10, trong thời gian tới, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn dạy bổ sung kiến thức cho học sinh không tiếp cận được học trực tuyến và đối tượng học sinh tiếp cận nhưng tiếp cận chậm.
“Trong thời gian qua, ngành cụ thể hóa các văn bản cấp trên để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên tinh thần giảng dạy trong tình hình phòng chống dịch Covid-19. Các trường cũng đã sử dụng song song 2 nhà mạng VNPT, Viettel để truyền tải kiến thức đến cho học sinh, tận dụng hết điều kiện và phương pháp hiện có: zalo, facebook… để chuyển tải kiến thức cô đọng nhất đến với các em học sinh. Sắp tới, tùy tình hình thực tế từng trường, phòng chỉ đạo các trường phân loại đối tượng để vận dụng giờ trống hoặc trái buổi để hệ thống lại kiến thức để đảm bảo kiến thức cho các em học sinh, góp phần duy trì chất lượng giáo dục trong năm học 2019-2020”, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Phan Hân (Báo Đồng Khởi)
GD&TĐ – Bộ GD&ĐT vừa có văn bản số 1360/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kì 2 năm học 2019-2020.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 1061/BGDĐTGDTrH ngày 25/3/2020 và Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30/3/2020 của Bộ GD&ĐT.
Đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kì, giảm 1/3 số đầu điểm, bảo đảm yêu cầu:
Đối với kiểm tra thường xuyên:
Môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần: ít nhất 2 đầu điểm; môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần: ít nhất 3 đầu điểm.
Đối với kiểm tra định kì:
Môn học có từ 2 tiết trở xuống/tuần: ít nhất 1 đầu điểm; môn học có từ trên 2 tiết /tuần: ít nhất 2 đầu điểm.
Đối với các lớp học theo mô hình trường học mới, thực hiện việc đánh giá định kì theo Công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH ngày 10/9/2015 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đánh giá học sinh trung học cơ sở theo mô hình trường học mới và Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 5/4/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện một số quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức: vấn đáp; phỏng vấn; kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính; báo cáo thuyết trình; kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…).
Đối với hoạt động Giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và các hoạt động giáo dục khác, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, thời gian dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với thực tế của cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn này, chủ động trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục.
(GDVN) – Phải luyện thật nhiều đề Toán mẫu, xem bài giảng chữa đề để nắm được sai sót và bổ sung phần kiến thức mình chưa rõ, xem kỹ các video hướng dẫn giải chi tiết.
“Học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học đến đâu chắc đến đó kết hợp thực hành làm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao. Thay vì ôn một cách tràn lan thì cần nắm được cấu trúc đề thi, từ đó sẽ tập trung vào những trọng tâm cần thiết.
Đề thi môn Toán vào lớp 10 trung học phổ thông thường có cấu trúc ít thay đổi qua các năm, vì thế các em nên ôn những nội dung kiến thức đã xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 của những năm trước, chú ý năm nay sẽ tránh những phần đã được Bộ Giáo dục công bố giảm tải.
Nên chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài theo các dạng bài trong từng chuyên đề, học sinh cần chú ý những lỗi sai hay mắc phải như không đọc kỹ đề bài, biến đổi sai, thiếu điều kiện, không kết hợp điều kiện để loại nghiệm, nhớ nhầm công thức, vẽ sai hình…”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Liên – Giáo viên Tổ Toán – Lý Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ.
Theo cô Liên: “ Các em phải luyện thật nhiều đề mẫu đã có, xem bài giảng chữa đề để nắm được sai sót và bổ sung kiến thức những phần mình chưa rõ, cũng như biết được cách đạt điểm tối đa trong từng câu.
Đối chiếu đáp án chi tiết, học kiến thức nâng cao để hoàn thiện các câu hỏi. Ngoài việc tìm hiểu cấu trúc đề, luyện nhiều đề thi sẽ giúp các em đánh giá năng lực của bản thân, biết được những phần mình chưa hiểu rõ, từ đó xem lại lý thuyết, tìm bài tập phần đó để luyện lại.
Nếu đọc lại qua sách vở vẫn chưa thực sự hiểu kỹ thấu đáo thì học sinh nên xem lại các video hướng dẫn giải chi tiết, đây cũng là phương pháp giúp các em hiểu nhanh hơn. Ôn luyện giải đề mẫu nhiều sẽ giúp các em nắm được cấu trúc đề thi, phương pháp giải từng câu hỏi, từng dạng toán.
Qua những đề mẫu, học sinh có thể tự đánh giá mức độ của mình đã đạt được bao nhiêu điểm, chắc phần nào, phần nào chưa tốt, hay sai ở mảng kiến thức nào, dạng toán nào mình chưa ổn, cần lưu tâm đến những lỗi sai để sửa chữa, rút kinh nghiệm”.
Tập trung ôn trọng tâm
Cô Liên cho biết: “Học sinh nên xác định rõ năng lực học tập của mình để tập trung ôn tập chắc các dạng bài mà sức mình có thể làm được, bên cạnh đó việc bám sát đề của năm học trước cũng rất quan trọng.
Cần phải nắm vững phương pháp giải của từng dạng trong chuyên đề. Đề thi sẽ phân bổ đồng đều các câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có thể đạt được điểm từng câu tùy theo năng lực học tập.
Nắm rõ cấu trúc đề để có kế hoạch ôn tập tốt, cần ôn tập phủ đều các vấn đề theo cấu trúc đề năm trước. Tiếp đến là ôn tập thêm các bài toán ở các đề thi thử hàng năm, hoặc bài tập trong cách sách tham khảo, bài tập trên các trang ôn thi uy tín trên mạng internet. Việc cần cù, chịu khó hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Việc ôn thi phải có kế hoạch cụ thể theo từng ngày, từng tuần và nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo các chuyên đề, các dạng bài thi, đồng thời rèn kỹ năng quyết đoán, tính toán nhanh.
Cấu trúc đề rất rõ ràng gồm các phần kiến thức sau: Phần Đại số trong đề thi chiếm 6 đến 7 điểm, trong đó có khoảng 5,5 đến 6 điểm mà các em dễ dàng đạt điểm trọn vẹn nếu làm bài một cách cẩn thận.
Chính vì thế, các em nên ôn tập nhuần nhuyễn các dạng bài để tránh bỏ lỡ những số điểm quan trọng.
Để làm tốt phần Hình học, định hướng nhanh các dạng trong đề thi, học sinh cần chú ý các dấu hiệu nhận biết tứ giác nội tiếp, tam giác, tứ giác đặc biệt và mối quan hệ giữa các loại góc trong đường tròn.
Nắm chắc các tính chất của các đối tượng trên và cách chứng minh của từng loại toán sẽ giúp các em có những ý tưởng chứng minh rất nhanh gọn.
Với đa số đề thi, câu cuối chính là câu mang tính phân loại học sinh và thường nằm trong mảng kiến thức nâng cao như: Bất đẳng thức cực trị, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, giải một số loại phương trình khó, phương trình vô tỉ, phương trình bậc cao, phương trình đặc biệt… hoặc có thể là một bài hình học nâng cao”.
Bí quyết làm bài thi
Cô Liên lưu ý: “Học sinh cần thực hiện lộ trình đạt được điểm an toàn rồi mới phấn đấu đến những câu có điểm cao. Khi đọc đề cần xử lý làm những câu hỏi dễ trước, làm đến đâu chắc chắn đến đó để đảm bảo đạt điểm tối đa của từng câu.
Chọn câu khó làm trước sẽ mất nhiều thời gian mà được ít điểm, và trong trường hợp không làm được sẽ dễ dẫn đến mất bình tĩnh, ảnh hưởng đến quá trình làm bài tiếp theo.
Do vậy trước khi làm bài thi, nên đọc kỹ hết đề bài một lần rồi phân loại câu hỏi thành ba loại: Loại 1: Đối với những câu hỏi dễ, để tiết kiệm thời gian, nên viết trực tiếp vào bài thi. Loại 2: Câu hỏi trung bình thì tập trung suy nghĩ, cố gắng tìm hướng giải bằng được.
Loại 3: Những câu hỏi khó, đánh đố thường dùng để phân loại học sinh và để làm được câu này cần nhiều thời gian suy nghĩ, do đó các em nên dành thời gian làm bài cuối cùng. Nếu không làm được thì cũng không quá lo lắng vì câu khó thường không chiếm quá nhiều điểm của cả đề thi.
Những câu nào đã làm rồi thì nên đánh dấu vào nháp để tránh bị làm lại, hơn nữa như vậy mới không bị bỏ sót câu hỏi, nhìn vào đánh dấu là biết rõ những câu đã và chưa làm.
Phân bổ thời gian hợp lý, quá thời gian cho một câu cần chuyển câu khác để tránh sa đà không cần thiết.
Với các bài đã có điều kiện, cần đối chiếu, kết hợp để lấy nghiệm hoặc loại nghiệm, chú ý điều kiện như giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình hoặc phương trình, và có thể là bài toán phương trình bậc hai ….
Đối chiếu từ phần nháp đến khi điền vào bài làm thật chính xác, trách làm nháp thì đúng nhưng khi viết vào bài lại bị lệch câu, như vậy sẽ bị sai 2 câu chứ không phải 1.
Cần cố gắng làm hết các câu hỏi và tuyệt đối không được bỏ chống câu nào, có như vậy mới hy vọng được thêm điểm, cũng như không bị điểm liệt.
Với các bài hình, cần phải vẽ hình chính xác, lưu ý kỹ năng trình bày rõ ràng, không tẩy xóa, khi làm xong bài cố gắng dành khoảng 5 phút đồng hồ để kiểm tra lại tất cả các câu trả lời, bài làm của mình trước khi nộp.
Các em lưu ý, mỗi ý đúng đều có điểm, do vậy việc viết thêm lời giải để có 0,25 điểm nhiều khi không quá khó. Nhiều em không để tâm đến điều này hoặc coi điểm này không đáng thường bỏ qua là sai lầm, từng chút điểm nhỏ như vậy nhưng khi cộng tổng thể sẽ thành điểm lớn”.
Tùng Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng đã có đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị công tác đón học sinh trở lại trường sau thời gian phòng chống dịch Covid-19. Thời gian học sinh, sinh viên trở lại trường dự kiến vào ngày 4-5-2020.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trước khi học sinh quay trở lại trường, cần vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng). Khử khuẩn trường học, phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng.
Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.
Trong thời gian học sinh học tại trường, mỗi ngày khử khuẩn 1 lần, sau buổi học: Lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh.
Lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy; lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe; mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa; Hạn chế sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được; Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày mỗi ngày 2 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày.
Trường hợp có học sinh biểu hiện: Sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở: Cần đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.
Y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh trong vòng 14 ngày trước đó. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ.
Trường hợp không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần. Trường hợp có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.
Phan Hân (Báo Đồng Khởi)