GD&TĐ – Chương trình giáo dục phổ thông cần có mục tiêu của chương trình; điều quan trọng hơn việc xây dựng chương trình chính là việc triển khai thực hiện vào thực tiễn; nên lùi thời gian triển khai đại trà chương trình, SGK phổ thông mới… Những ý kiến này được chia sẻ trong Hội thảo giáo dục 2017: Về chất lượng giáo dục phổ thông” tổ chức sáng (22/9).
Những điểm nhấn đặc biệt của chương trình mới
Khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông – trong lịch sử giáo dục Việt Nam, lần đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) được thực hiện một cách bài bản nhất, cụ thể:
Có chương trình GDPT trước khi biên soạn SGK; có chương trình tổng thể trước khi xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều được công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân; chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều được thực nghiệm; chương trình tổng thể và các CT môn học, hoạt động giáo dục đều được thẩm định bởi các Hội đồng thẩm định cấp quốc gia.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, định hướng của chương trình GDPT mới là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; bảo đảm phù hợp với điều kiện dạy và học của Việt Nam.
Chương trình GDPT mới đã xác định số lượng các môn học và hoạt động giáo dục, thời lượng giáo dục ở từng cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Nội dung chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.
“Lần đầu tiên, chương trình GDPT không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần, mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.
Tỷ lệ trung bình giữa thời lượng giáo dục trong 1 năm học dành cho địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học với tổng thời lượng giáo dục của các môn học và hoạt động giáo dục ở cấp tiểu học từ 12% đến 19%, ở cấp THCS là 28%, ở cấp THPT là 28%.
Nội dung các chương trình môn học và hoạt động giáo dục cũng không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả SGK, cơ sở giáo dục và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Bài học xây dựng mục tiêu chương trình
Khẳng định chương trình giáo dục là một trong những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, GS Trần Kiều (Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh vấn đề xác định mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Trong đó, GS cho rằng, để xây dựng được mục tiêu chương trình hợp lý, khả thi cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa xã hội – cá nhân, thế hệ – cá nhân, đồng loạt – cá thểvề các yêu cầu theo tinh thần hài hòa. Ngoài ra, khi mục tiêu chương trình GDPT được chấp nhận về mặt pháp lý thì đồng thời qua đó đã khẳng định sự cam kết của Nhà nước đảm bảo thực hiện được mục tiêu chương trình.
Một trong những yếu tố để xác định được đúng đắn mục tiêu là phải tìm kiếm được các dữ liệu đủ độ tin cậy, phản ảnh được nhu cầu, nguyện vọng của người học, các đặc điểm của chính họ và những yêu cầu của xã hội đối với con người đặt trong một bối cảnh cụ thể. “Đây là một điểm yếu trong cả quá trình xây dựng chương trình ở nước ta” – GS Trần Kiều chia sẻ.
Cho rằng xây dựng mục tiêu của chương trình GDPT là bước đầu hết sức quan trong của quá trình xây dựng chương trình, tuy nhiên cũng theo GS Trần Kiều, quán triệt được yêu cầu thực hiện mục tiêu trong các hoạt động đa dạng của nhà trường khi thực hiện chương trình là một vấn đề phức tạp đối với hoạt động quản lý chương trình.
Bên cạnh đó, để xác định được đúng đắn mục tiêu cần có sự tham gia của chính đối tượng thụ hưởng chương trình là học sinh. Học sinh sẽ tham gia vào quá trình xác định mục tiêu của chương trình giáo dục bằng cách nêu lên nguyện vọng, mong muốn, suy nghĩ về mục đích đến trường, về mục đích học tập, nêu được những khó khăn, những trở ngại trong quá trình nói trên. Học sinh cũng giúp người làm chương trình bằng các phương pháp thích hợp khai thác được những đặc điểm về các mặt sinh lý, tâm lí, nhận thức ở từng lứa tuổi.
Một lực lượng rất quan trọng góp phần xây dựng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông là giáo viên. Bằng kinh nghiệm thu được qua hoạt động thực tiễn giáo viên có thể đóng góp tích cực vào việc xác định những điều có thể làm được hoặc không làm được khi đảm bảo các mục tiêu nêu ra trong chương trình.
“Nói chung giáo viên phải được tham gia vào tất cả các bước của quá trình phát triển chương trình: xây dựng, triển khai, đánh giá theo những hình thức phù hợp” – GS Trần Kiều cho hay.
Để chương trình mới đi vào thực tiễn
Theo ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế – xây dựng Chương trình GDPT là một quá trình công phu, khoa học. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn việc xây dựng chương trình chính là việc triển khai thực hiện chương trình vào trong thực tiễn của các Sở GD&ĐT.
Khẳng định việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, ông Phạm Văn Hùng cho rằng, cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới chương trình GDPT tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân.
Bên cạnh đó, triển khai chương trình GDPT mới có thể phải chấp nhận quy luật phát triển không đều trong GD&ĐT. Đối với những trường đảm bảo điều kiện thì có thể triển khai ngay từ năm học 2019 – 2020. Đối với những trường chưa đảm bảo điều kiện thì tiến hành theo lộ trình riêng, chậm hơn để có thời gian hoàn chỉnh các điều kiện.
Cũng theo ông Hùng, cần quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ. Trước hết cần khảo sát, đánh giá, phân loại toàn thể đội ngũ để có giải pháp đào tạo lại, bồi dưỡng phù hợp.
“Phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên” – ông Phạm Văn Hùng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến những vấn đề giúp triển khai chương trình vào thực tiễn, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trường học 2 buổi/ngày, về phân cấp quản lý giáo dục; quy định giảm sĩ số học sinh/lớp; quy định mức biên chế giáo viên cho trường học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, cung cấp các định mức kinh tế – kỹ thuật để triển khai Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập; có các chương trình đầu tư cơ sở vật chất thiết bị trường học, CNTT; tái khởi động chương trình kiên cố hóa trường lớp học; chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để nhà trường có đủ điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới.
Cùng với đó, chỉ đạo triển khai kịp thời việc viết nội dung giáo dục địa phương đáp ứng việc triển khai nội dung này trong chương trình mới. Tạo sức hút về tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo các trường sư phạm là việc quan trọng.
“Nên lùi thời gian triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm học 2019 – 2020, để các tỉnh, thành có thời gian, vật chất để chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện. Căn cứ theo dự thảo quy định điều kiện để thực hiện chương trình mới thì các trường đáp ứng các điều kiện tại thời điểm triển khai đại trà” – ông Phạm Văn Hùng thêm kiến nghị.
Hiếu Nguyễn