GD&TĐ – Rất nhiều nhà khoa học, giáo dục và quản lý, đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của nền khoa học Việt Nam hiện nay. Từ đó đã có những giải pháp, chẳng hạn như yêu cầu về cải cách cơ chế quản lý trong khoa học, đầu tư nhiều hơn nữa cho các Viện nghiên cứu, trường Đại học, hay tăng chất lượng đào tạo đội ngũ làm khoa học (nhất là bậc Tiến sĩ), được đưa ra nhằm giúp nền khoa học của chúng ta thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, và giảm bớt sự lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Bài viết này xin được chia sẻ thêm vài suy nghĩ nhỏ xung quanh các giải pháp để đưa nền khoa học Việt Nam tiếp cần gần hơn với nền khoa học tiến tiến của thế giới.
Trước hết, thay vì quá chú trọng việc mở rộng liên kết đào tạo giữa các trường trong nước và quốc tế, chúng ta cần quan tâm hơn nữa và chủ động trong việc mở rộng hợp tác, trao đổi trong nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức khoa học, công nghệ, các nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trong nước với các nước tiên tiến.
Với các trường Đại học có chủ trương phát triển theo định hướng nghiên cứu, thì việc này càng mang tính chất quan trọng. Cách thức này, cho phép ta có cơ hội được tiếp cận với khoa học hiện đại của thế giới, từ đó giúp khoa học Việt Nam tìm ra đúng hướng đi của mình trong tương lai, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm khoa học trong nước. Hơn nữa, phải thực tế rằng trong điều kiện cơ sở vật chất và con người như hiện nay, rất khó để phát triển đáng kể các đề tài khoa học “100 % Made in Vientam” xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Chính vì vậy, việc hợp tác nghiên cứu có thể giúp gia tăng mạnh số lượng bài báo khoa học có sự đóng góp từ phía các cá nhân, đơn vị nghiên cứu trong nước được đăng trên các tạp chí học thuật uy tín.
Ngay cả với ngành khoa học thực nghiệm đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về tài chính với các phòng thí nghiệm hiện đại, thì bước đầu, chúng ta cũng có thể xây dựng hợp tác theo hướng hỗ trợ trong việc tính toán lý thuyết, mô phỏng cho các đề tài thực nghiệm đó. Hiện nay, có rất nhiều giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học người Việt đầy tài năng và tâm huyết đang làm việc ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới và đó chính là một thuận lợi vô cùng to lớn để Việt Nam có thể phát triển mạnh mô hình hợp tác nghiên cứu. Nhưng để tận dụng được tối đa nguồn nhân lực này, đòi hỏi một cơ chế, chính sách thông thoáng hơn về mặt quản lý, đãi ngộ với đội ngũ này, và quan trọng là tinh thần cầu thị nghiêm túc từ phía chúng ta.
Một nhân tố cũng rất quan trọng trong sự phát triển của khoa họcViệt Nam, đó chính là các du học sinh, nhất là các nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Bất cứ ai hiểu rõ về bản chất của nghiên cứu khoa học, thì đều biết rằng học vị đó chỉ mới là bước khởi đầu và chỉ có ý nghĩa là khẳng định cá nhân đó có năng lực nghiên cứu khoa học. Với những du học sinh đi từ nguồn kinh phí tự túc hoặc các tổ chức nước ngoài thì có sự chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để tiếp tục tham gia nghiên cứu sau Tiến sĩ tại các môi trường học thuật tiên tiến. Trong khi đó, các du học sinh đi từ nguồn học bổng của chính phủ hay của các tỉnh, thành phố, thì thường lại có quy định bắt buộc phải quay về ngay (trong vòng 3 tháng) sau khi hoàn thành khóa học.
Thiết nghĩ, nếu các đơn vị quản lý du học sinh gia hạn thêm khoảng thời gian phải quay về phục vụ (với thời hạn cố định, không làm ảnh hưởng quá lớn đến sự sắp xếp, quản lý nhân sự tại cơ quan công tác), thì họ sẽ rộng đường hơn sau khi tốt nghiệp, để từ đó sự đóng góp cho đất nước của đội ngũ này sẽ được tối ưu hóa. Những ai cảm thấy sự trở về ngay khi hoàn thành khóa học là hợp lý, theo khía cạnh chuyên môn, trách nhiệm với cơ quan, gia đình, cũng như cơ hội được cống hiến, phát triển tại quê nhà, thì họ sẽ thoải mái nhất để quay về. Ngược lại cũng là điều tốt, khi tiếp tục được nghiên cứu khoa học ở nước ngoài một thời gian nữa không những giúp chuyên môn được củng cố, mà ít nhiều họ có thể làm cầu nối giữa đơn vị công tác trong nước và nơi được đào tạo, làm việc.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần chào đón, trân trọng và tận dụng tối đa hơn nữa sự trở về của “dòng chất xám” từ bên ngoài, nhưng cũng không cần phải quá lo lắng về chiều ngược lại, bởi suy cho cùng, với tâm huyết cho sự phát triển của đất nước nói chung, lĩnh vực khoa học nói riêng, thì cả “dòng trở về” hay “dòng chảy ra” đều có thể góp phần đưa khoa học Việt nam đến gần hơn với khoa học hiện đại của thế giới.
TS. Đinh Bá Khương