GD&TĐ – Đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay thực sự đổi mới tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra cũng thực sự mở. Tuy nhiên, công đoạn cuối cùng và vô cùng quan trọng vấn là người chấm có “mở” hay không?

Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm

Theo TS Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, năm nay đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, có một số câu hỏi ra theo hướng mở. Hội đồng Chấm thi Sở GD&ĐT Bến Tre đã quán triệt cho giám khảo thực hiện đúng quy định tại hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT. Chấm thi theo hướng dẫn chấm và biểu điểm của Bộ GD&ĐT cung cấp. Hội đồng Chấm thi không làm lại hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ GD&ĐT mà chỉ chi tiết hóa, có hướng dẫn cụ thể hơn cho giám khảo về hướng dẫn chấm thi và biểu điểm của Bộ. Hội đồng chấm thi cũng lưu ý giám khảo linh hoạt trong vận dụng hướng dẫn chấm và biểu điểm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Liên quan đến việc chấm thế nào để thực sự mở, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng: Khi đề thi ra theo hướng mở thì hướng dẫn chấm không thể quy định cứng nhắc, gò vào khung những ý theo quan điểm của người ra đề, nên hướng dẫn chấm phải được làm theo hướng mở. Đặc biệt môn Ngữ văn năm nay có một số câu hỏi ra theo hướng mở, liên hệ với những vấn đề thời sự của đất nước. Tôi cho rằng thực tế bài làm của thí sinh đối với các câu hỏi mở loại này sẽ rất phong phú và đa dạng do suy nghĩ, nhận thức khác nhau của thí sinh. Hướng dẫn chấm cũng có thể chưa dự kiến hết tất cả các tình huống. Do vậy vai trò của giám khảo hết sức quan trọng. Giám khảo phải vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, cho phép thí sinh được triển khai ý tưởng của mình, lưu ý những bài làm có sáng tạo, cảm xúc, miễn sao ý tưởng của thí sinh không đi lạc với yêu cầu của đề thi, không trái với thuần phong, mỹ tục, không trái đạo lý truyền thống, pháp luật là có thể cho điểm.

Coi trọng suy nghĩ chín chắn, bản lĩnh

Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm, cô Lê Thị Thúy Hoàn – Trung tâm GDTX B Ý Yên (Nam Định) cho rằng, mỗi thầy cô giám khảo chấm Văn có sự cảm nhận khác nhau. Chính vì vậy, tổ chấm cần có sự thảo luận bàn bạc thống nhất ở câu hỏi về đoạn văn và đặc biệt là phần viết văn bản vì đáp án không xác định rõ các ý chính có cơ số điểm là bao nhiêu. Các giám khảo chấm cũng cần trao đổi đối với các bài văn của học sinh có sự sáng tạo khi khớp điểm mà có sự chênh lêch. Trên cơ sở đáp án của Bộ GD&ĐT, tổ chấm cần có tiêu chí cụ thể cho từng phần của câu hỏi. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân – Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh – nhận định: Ở phần I, câu 1 và câu 2 chấm khá dễ, không có vấn đề gì đáng bàn vì đáp án đã nêu khá rõ. Câu 3 khó chấm hơn vì là một vấn đề mở và thí sinh được quyền trình bày những suy nghĩ riêng của mình. Tuy sự “bày tỏ thái độ”, theo như đề bài yêu cầu, đã mở ra một không gian khá tự do cho người viết nhưng người chấm tất nhiên cũng có những cái “chuẩn” nhất định để đạt đến sự đồng bộ trong cách đánh giá, tránh được sự chênh lệch giữa các giám khảo. Chắc chắn, trong tuyệt đại đa số bài thi đều bày tỏ thái độ phê phán những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, một bài hay, bên cạnh nhiệt tình của tuổi trẻ đối với đất nước, còn cần thể hiện một độ chín chắn, bản lĩnh trong suy nghĩ. Nghĩa là, bên cạnh sự phê phán đanh thép, kiên quyết và đầy lý lẽ (chứ không phải bồng bột, “đao to búa lớn” nhưng không có sức nặng thuyết phục) biểu lộ một tình cảm yêu nước nồng nhiệt, một ý thức chủ quyền sâu sắc, còn cần bày tỏ những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người, trong đó có bản thân mình, đối với hiện tình đất nước. Đấy là quan niệm không chỉ nói suông mà cần phải làm. Việc làm thiết thực nhất của tuổi trẻ cho đất nước không chỉ là sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần mà còn là tích cực học tập, rèn luyện tài năng và phẩm chất để góp phần làm cho nội lực dân tộc hùng mạnh, từ đó đẩy lùi được tham vọng của ngoại bang.

Hiếu Nguyễn