GD&TĐ – Trong hai ngày 15 và 16-12, Trường ĐH Thái Nguyên đã cùng với Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các chuyên gia GD của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, GV trực tiếp giảng dạy tiếng Anh các tỉnh trong khu vực.
97-98% GV chưa đạt chuẩn
Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm: Thực trạng và đề xuất trong việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại các địa phương; kế hoạch gắn kết các cơ sở bồi dưỡng và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhất là năng lực tiếng Anh của đội ngũ GV; chiến lược nâng cao năng lực dạy và học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh tại ĐH Thái Nguyên giai đoạn 2012-2015; vị trí của ĐH Thái Nguyên trong việc kết nối văn hóa bản địa để phát triển quốc tế hóa…
Trưởng Bộ phận Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (BG-ĐT) ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Thời gian qua khi tiến hành triển khai Đề án cho thấy vấn đề đội ngũ GV còn nhiều bất cập. Các Trường CĐ, ĐH chưa bảo đảm trình độ đầu ra. Năng lực tiếng Anh của đại bộ phận GV còn thấp, có tới 97-98% GV chưa đạt chuẩn.
Phương pháp và công nghệ dạy học còn lạc hậu, nhất là với GV Tiểu học. Khoảng cách kỹ thuật số và khả năng ứng dụng CNTT trong dạy và học còn yếu. Nhiều địa phương chưa có chế độ tuyển dụng GV, đời sống GV ngoài biên chế còn rất khó khăn. Mặc dù đến nay, đã có gần 5000 GV được đào tạo, bồi dưỡng.
Qua Hội thảo này, có thể thấy nhu cầu nâng cao trình độ cho đội ngũ GV tiếng Anh các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc rất cần thiết. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, bà Vũ Thị Nga cho biết tỉnh có 82/186 GV có điểm cao nhất qua khảo sát dự thi cấp chứng chỉ quốc tế chỉ có 12 người đạt B1 và B2, chưa có ai đạt C1.
Ngay như tỉnh Bắc Kạn, vấn đề bồi dưỡng đội ngũ là khâu khó khăn nhất, rất cần thiết khi triển khai Đề án bởi khi khảo sát trên 250 GV nhưng tất cả đều không đạt chuẩn. Chủ yếu GV trình độ xếp loại A1 và A2. Đại biểu Trần Châu- Sở GD-ĐT Lạng Sơn chia sẻ chỉ có 50/780GV khảo sát đạt yêu cầu. GV không chỉ non kém về trình độ mà còn thiếu cả kỹ năng sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.
Giải pháp nâng chuẩn GV
Nâng chuẩn cho GV tiếng Anh là vô cùng cần thiết khi triển khia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tuy nhiên, đại biểu các địa phương cũng mong muốn bản thân giảng viên ĐH Thái Nguyên khi tham gia bồi dưỡng, đào tạo GV cho các tỉnh cũng cần được kiểm tra trình độ, ai có trình độ đạt chuẩn yêu cầu C1 mới được tham gia.
PGS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết: ĐH Thái Nguyên được chọn là một trong 4 trung tâm xuất sắc để điều phối thành công các hoạt động khảo thí, bồi dưỡng, NCKH và hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Đề án triển khai tại trường và khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Vì vậy, nhà trường không chỉ thông qua các chương trình khảo sát và bồi dưỡng mà còn phải tiến tới nâng cao năng lực GV thông qua các hoạt động NCKH.
Năm 2012 là năm bản lề đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong công tác triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nói chung và với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nói riêng. Đội ngũ giảng dạy của nhà trường có 30% là GV quốc tế. Nhà trường đã bồi dưỡng cho hơn 500 GV cốt cán của 10 Sở GD-ĐT về năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy ở bậc học TH và THCS. Hiện nay, tại trường gần 500 GV tiếng Anh dưới chuẩn của Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên đang được bồi dưỡng nâng cao trình độ, đồng thời đã tổ chức 20 đợt khảo sát năng lực tiếng Anh cho 3000 GV trong khu vực.
Trước nhu cầu của thực tiễn, đội ngũ giảng viên của nhà trường không ngừng nâng cao năng lực, trau dồi chuyên môn trên chuẩn. Nhiều người được đào tạo từ nước ngoài trở về trường công tác. Hiện nay, ĐH Thái Nguyên ký kết hợp tác toàn diện với ĐH Hawaii, Pacific Hawaii về xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy tiếng Anh của ĐH Thái Nguyên và khu vực.
Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng việc triển khai Đề án này tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc góp phần quan trọng trong việc nâng cao tầm nhìn và năng lực về nghiên cứu hành động trong khu vực, từ đó tìm ra chiến lược, giải pháp khả thi để định hướng cho các nhà quản lý, nhà hoạch định giáo dục xây dựng và quản lý hiệu quả các chương trình dạy học bằng tiếng Anh, phát triển việc sử dụng tiếng Anh, đồng thời kết nối nguồn lực mạnh mẽ đội ngũ chuyên môn làm công tác giảng dạy tiếng Anh trong khu vực…
Do đó, GV không chỉ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn mà còn được nâng cao kỹ năng sử dụng trang thiết bị dạy học, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ– ĐHQG Hà Nội cho rằng Đề án khi triển khai cần quan tâm tới 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, đó là thực hành tiếng, nhất là đội ngũ GV. Thứ hai là chú trọng phương pháp giảng dạy.
Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Hội thảo quốc tế Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các đơn vị bồi dưỡng, đào tạo, các đại phương với ĐH vùng, với Đề án và với các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai thành công các hoạt động của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Các Sở GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch thự hiện Đề án, rà soát lại để điều chỉnh cho kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, kể cả công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nếu địa phương nào thấy chưa hợp lý thì điều chỉnh. Phải coi chất lượng là hàng đầu, việc bồi dưỡng GV là cần thiết, là khâu then chốt vì thế, rất cần đảm bảo trình độ giảng viên tham gia bồi dưỡng GV.
Bộ không lấy kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá trình độ GV làm tiêu chí thi đua nhưng các Sở cần tự giác và lập kế hoạch cụ thể, từ đó nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV, cũng như kỹ năng sử dụng trang thiết bị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường…
Việt Hoa