Tự học không phải chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà còn là đối với mọi lứa tuổi. Một trong các bước căn bản đầu tiên của việc học chính là đọc. Đọc để tiếp thu kiến thức. Cho nên, đọc không chỉ từ sách giấy mà còn từ nhiều kênh thông tin khác. Phát triển văn hóa đọc cũng chính là phát triển văn hóa tự học.
Đọc để học và giải trí
Đề cập đến văn hóa đọc và tự học, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn Văn học tại TP. Hồ Chí Minh ví von: “Tôi xin đưa ra một tình huống nhỏ. Nếu bạn tự mình lái xe đến một địa điểm mới, thông thường, bạn sẽ dễ ghi nhớ đường đi hơn so với việc bạn ngồi ở phía sau xe, để người khác cầm lái. Bởi vì hành trình đó, với vai trò người lái xe, bạn chủ động trải nghiệm nhiều hơn, bạn có nhiều ấn tượng hơn về cảnh vật xung quanh. Tương tự, sự tự học cũng có những ích lợi tích cực nhất định, so với việc bạn tiếp thu kiến thức một cách bị động, bị ép buộc. Một trong những phương pháp để tự học hiệu quả, chính là đọc sách, đọc tài liệu. Tất nhiên, việc đọc ở đây được hiểu là đọc nhằm thu nhận thông tin, tăng cường sự hiểu biết, đi sâu phân tích vấn đề, phản biện và đúc kết nội dung”.
Tự học thông qua đọc cũng là phương pháp mà em Trần Lê Huỳnh Trang, sinh viên năm 2, Khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) đã áp dụng thành công suốt những năm phổ thông cho đến nay. Nếu như khi học phổ thông, Huỳnh Trang có 80 – 90% thời gian học thông qua đọc sách thì giờ đây, ở môi trường đại học, em đã tự mở rộng phạm vi đọc của mình, từ sách giấy đến giáo trình online, tài liệu tổng hợp, cả những bài viết chia sẻ kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức từ các kênh thông tin điện tử, báo chí, việc đọc càng nhiều càng đòi hỏi sự chọn lọc cũng tương ứng như vậy. “Việc đọc của em gắn với so sánh, chọn lọc để tìm những góc tiếp cận mới, hay hơn, tốt hơn và phù hợp với mình để tiếp thu”, Huỳnh Trang chia sẻ.
Với một người trẻ có thói quen đọc tốt như Huỳnh Trang, góc độ tiếp cận của em khi đọc còn là đi tìm bản chất phía sau cuốn sách, tìm hiểu về chính tác giả, quan điểm, xuất thân của tác giả để hiểu tại sao lại viết như vậy. Nhất là đối với dòng sách “self-help” – sách “tự lực”, loại sách được cho là đang chiếm lĩnh phân khúc sách dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Đối với đọc giáo trình chuyên ngành để phục vụ việc học thì Huỳnh Trang có sự so sánh về thời điểm của cuốn sách để thấy quan điểm mà tác giả đưa ra có thể vận dụng vào trong thời điểm hiện tại được không. Đọc và có sự cập nhật về kiến thức để tìm ra được kiến thức có thể ứng dụng và những gì nên bỏ qua vì không còn phù hợp.
Thạc sĩ Văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Bến Tre (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tùy vào nhu cầu của mỗi người mà có phương pháp đọc khác nhau. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì phương pháp đọc sách để học phải dành thời gian và trí lực để đọc nghiền ngẫm nội dung của cuốn sách chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Đây là cách đọc cần thiết nhất để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách, những vấn đề được nêu ra được xem xét, tìm hiểu cặn kẽ, thấu đáo. Sau khi đọc nhiều sách sẽ có sự đối chiếu và đánh giá nội dung của từng cuốn.
“Trong nhiều trường hợp, đọc sách cũng được xem là một hoạt động giải trí, chứ không nhất thiết là phục vụ cho mục đích kiếm tìm tri thức. Không nên đánh giá việc đọc để học, hay đọc để giải trí, cái nào tốt hơn cái nào. Vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, tùy thuộc vào góc nhìn. Song, chúng ta có một lưu ý nhỏ là, dù xác định đọc sách để giải trí, kỳ thực, trong quá trình đọc, chúng ta vẫn vô tình thâu nhận những thông tin, làm giàu cho vốn liếng suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Chỉ là, mức độ ưu tiên vẫn nghiêng về sự giải trí”, Thạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ.
Truyền cảm hứng đọc
Trả lời câu hỏi liệu giới trẻ có đang quay lưng với việc đọc sách hay không, thu nhận nhiều luồng ý kiến. Thạc sĩ văn hóa học Bùi Hữu Nghĩa nhận xét: “Theo tôi nhận định này có thể đúng ở địa phương khác, chứ ở Bến Tre thì chưa chính xác. Trong những lần Thư viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre kiểm kê và thanh lọc sách, những quyển sách có số lượng nhiều sẽ được đem ra tặng bạn đọc, có rất đông bạn trẻ đến nhận sách. Hiện nay, xu hướng đọc sách có nhiều thay đổi, thể loại ebook (sách điện tử) có thể đọc trên máy đọc sách, máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại… đang dần được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi. Tuy nhiên, sách giấy vẫn còn sức sống không nhỏ”.
Theo chia sẻ của Huỳnh Trang, giới trẻ nói riêng và bạn đọc nói chung đang có xu hướng chuộng về hình thức và yêu cầu khắt khe hơn về sách. Sách giấy không phải bị bỏ rơi mà là độc giả đang yêu cầu tính thẩm mỹ cao hơn từ một cuốn sách giấy. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều nhà xuất bản đã đầu tư cho hình thức, minh họa, thể hiện nội dung cuốn sách qua hình ảnh bìa, góp phần làm cho bạn trẻ được thu hút hơn. “Văn hóa đọc sách giấy đang ngày càng được coi trọng hơn, một phần là vì người trẻ đang bắt đầu chán ngán với màn hình điện tử, một phần là hiện đã có nhiều hoạt động bổ trợ cho việc đọc sách giấy như các chương trình khuyến đọc, khuyến khích người đọc chia sẻ về việc đọc”, Huỳnh Trang nhận xét.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến cho rằng: “Nhìn vào tốc độ nắm bắt thông tin của các bạn trẻ thông qua các trang mạng xã hội, chúng ta phần nào có thể thấy được sức đọc của các bạn trẻ. Vậy làm sao để chuyển hóa năng lượng đọc đó, sự hào hứng đọc đó của người trẻ qua các trang sách mang tính học hành hơn, giáo dục hơn? Rõ ràng, câu trả lời không chỉ là làm thay đổi cách nhìn của các bạn trẻ với sự đọc, mà còn phải có sự đổi thay trong cách viết sách, cách trình bày sách, cách quảng bá sách, cách quản lý về lĩnh vực xuất bản phẩm…”.
Còn đối với việc phát triển văn hóa đọc tại tỉnh, các ý kiến nhận xét rằng câu chuyện khuyến đọc của chúng ta không chỉ hướng vào việc phát triển, tạo nguồn sách mà cần hướng đến việc truyền cảm hứng đọc nhiều hơn. Rõ ràng việc đầu tư, phát triển nguồn sách thời gian qua tại tỉnh đã thực hiện rất tốt. Các thư viện công cộng cũng như thư viện trường học đã được bổ sung nguồn sách phong phú hơn trước. Nhưng để văn hóa đọc thật sự lan tỏa, cần nhiều hơn nữa các hoạt động bổ trợ, khuyến khích chia sẻ về sách để người đọc tìm đến với sách nhiều hơn. Tiếp theo đó là làm sao để tăng tính ứng dụng của tri thức tiếp thu được từ việc đọc.
“Người đọc, nhất là độc giả trẻ sẽ cảm thấy hoài nghi, sinh lòng ghét bỏ nếu cảm thấy những gì mình đọc được chỉ là những điều xa vời, lấp lánh trong nhà kính, thay vì hiện diện ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Ích lợi của việc đọc cần là những kết quả cụ thể, hơn là những câu chữ trừu tượng”.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến – Giảng viên giảng dạy môn văn học tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)