Trường THCS An Thạnh được thành lập theo Quyết định số 77/UB-QĐ ngày 25 tháng 8 năm 1995 của UBND Huyện Mỏ Cày về việc tách Trường Phổ thông cơ sở An Thạnh thành hai trường: Trường Tiểu học An Thạnh và Trường THCS An Thạnh. Trong 15 năm hình thành và phát triển với những chặng đường đầy thử thách khó khăn nhưng cũng có rất nhiều thuận lợi, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, của Phòng GD&ĐT Mỏ Cày, các tổ chức đoàn thể; đặc biệt là sự đồng tình giúp đỡ từ quí PHHS đã giúp cho trường THCS An Thạnh phát triển vững chắc về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất xây dựng cảnh quan nhà trường đáp ứng yêu cầu cho công tác giảng dạy; nhờ vậy trường luôn đạt được thành tích trường tiên tiến trong nhiều năm liền. Nhà trường đã và đang từng bước phát triển vững chắc và ngày càng trưởng thành hơn, phấn đấu sẽ trở thành một ngôi trường chất lượng cao của huyện nhà.
Những căn cứ cơ sở pháp lí để xây dựng chiến lược phát triển của trường trong giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến 2020:
– Thông báo 242-TB/TW ngày 15 tháng 04 năm 2009 và kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển Giáo dục và Đào tạo đến năm 2020;
– Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục;
– Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông;
– Thông tư 12/2009/TT/BGDĐT Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở;
– Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT quy định Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
– Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT quy định Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên trung học, giáo viên trung học phổ thông;
– Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia;
– Căn cứ kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Mỏ Cày Nam.
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động quản lý của Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB-GV-NV) và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của trường THCS An Thạnh là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông, Nghị quyết Đảng bộ xã An Thạnh nhiệm kì 2010-2015.
I. TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG
1. Điểm mạnh
– Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.
– Công tác tổ chức quản lí: Có tầm nhìn khoa học, sáng tạo. Kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá sâu sát, thực chất và đổi mới.
– Đội ngũ CB-GV-NV hiện tại có 68 người; trong đó: BGH: 02; giáo viên: 61; nhân viên: 5. Trình độ chuyên môn của giáo viên: 100% đạt chuẩn, có 16 GV đạt trên chuẩn. Tỉ lệ: 23.6%.
– Đội ngũ CB-GV-NV đủ, ổn định, đạt chuẩn về chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các cuộc vận động do ngành và địa phương phát động. Ngoài ra tập thể sư phạm nhà trường có truyền thống đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao.
– Nhà trường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của ngành giáo dục các cấp; thực hiện tốt quy chế chuyên môn; kế hoạch dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức giảng dạy đầy đủ các môn học, dạy đúng đủ chương trình từng môn. Thực hiện tốt quy chế chuyên môn, quy chế đánh giá cho điểm đúng quy định hiện hành, đảm bảo thực chất về chất lượng.
– Phong trào thi đua giảng dạy, học tập trong trường ngày càng sôi nổi, đi vào chiều sâu. Hằng năm đều có học sinh giỏi đậu vòng huyện và vòng tỉnh.
– Các đoàn thể trong nhà trường hoạt động tốt, tổ chức Công đoàn, Đội Thiếu niên đều đạt vững mạnh, Chi bộ của trường đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh.
– Chất lượng học sinh năm học 2009-2010:
+ Tổng số học sinh: 998 em.
+ Tổng số lớp: 30.
+ Xếp loại học lực:
Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực loại giỏi: 27.6%; khá: 38.2%; TB: 29.7%; yếu: 4,1%; kém: 0,4%.
Học sinh khối 9 được xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2009-2010 đạt tỷ lệ 100%.
+ Xếp loại hạnh kiểm:
Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm loại tốt: 90.2%; khá: 9.7%; TB: 0.1%.
– Cơ sở vật chất hiện có 38 phòng, chia ra:
+ Phòng học: 24 phòng.
+ Phòng chức năng: 14 phòng.
Cơ sở vật chất: Đến năm 2009 Trường THCS An Thạnh được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất và đưa vào sử dụng vào thời điểm năm học 2010-2011, nên cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy và học để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục.
– Thành tích đạt được: Nhiều năm liền Trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện.
2. Điểm hạn chế
– Tổ chức quản lí của hiệu trưởng:
+ Do cơ chế nên nhà trường chưa chủ động được việc tuyển chọn CB-GV-NV có năng lực chuyên môn giỏi, nghiệp vụ sư phạm vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao.
+ Đánh giá chất lượng hiệu quả công tác CB-GV-NV còn mang tính động viên khuyến khích, chưa đúng thực chất chất lượng.
+ Công tác xã hội giáo dục được triển khai thực hiện tốt trong các năm qua, tuy nhiên chưa huy động khai thác được nhiều nguồn lực của địa phương.
– Đội ngũ giáo viên, nhân viên: Một vài CB-GV-NV có tinh thần trách nhiệm chưa cao, chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
– Chất lượng học sinh: Chất lượng đầu vào chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ học sinh có học lực yếu kém, ý thức học tập, rèn luyện chưa tốt, không có động cơ học tập, gia đình thiếu sự quan tâm.
3. Thời cơ
– Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, của Phòng GD&ĐT Mỏ Cày Nam.
– Được sự đồng thuận hỗ trợ của phụ huynh học sinh và các tổ chức đoàn thể xã hội.
– Đội ngũ cán bộ, giáo viên đa số là lực lượng trẻ, nhiệt tình, năng nổ.
– Khu tiểu thủ công nghiệp An Thạnh-Khánh Thạnh Tân hình thành tạo điều kiện kinh tế xã nhà phát triển, khu công nghiệp Thành Thới B đi vào hoạt động thu hút nhiều lao động nhất là lao động trí thức vì thế người dân càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục chất lượng cao.
4. Thách thức
– Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao để đáp ứng được sự phát triển kinh tế-xã hội.
– Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
– Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của CB-GV-NV.
5. Xác định các vấn đề ưu tiên
– Chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, hạn chế thấp nhất tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.
– Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
– Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.
– Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
– Ứng dụng có hiệu quả CNTT trong dạy – học và công tác quản lí.
– Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lí, giảng dạy.
II. TẦM NHÌN, SỨ MỆNH VÀ CÁC GIÁ TRỊ
1. Sứ mệnh
Tạo dựng được môi trường học tập lành mạnh, nề nếp, kỷ cương có chất lượng giáo dục ổn định, để mỗi học sinh có kiến thức, có tri thức vững vàng bước vào trường THPT, trường THCN và dạy nghề.
2. Tầm nhìn
Là một trong những trường có chất lượng cao của huyện mà học sinh sẽ lựa chọn để học tập và rèn luyện, nơi giáo viên và học sinh luôn có khát vọng vươn lên.
3. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường
– Tình đoàn kết, lòng nhân ái.
– Tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác.
– Lòng tự trọng, tính sáng tạo.
– Tính trung thực và khát vọng vươn lên.
III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Mục tiêu
1.1 Mục tiêu tổng quát
* Trong vòng 10 năm tới, phấn đấu: “Xây dựng một nền giáo dục hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế; nền giáo dục này phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thực, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.(Trích mục tiêu phát triển giáo dục việt nam đến 2020).
* Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của ngành và của toàn xã hội. Cụ thể trong giai đoạn 2010-2015:
– Tạo một môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực.
– Đào tạo học sinh có kiến thức, có tri thức vững vàng bước vào trường THPT, trường THCN và dạy nghề.
– Duy trì và phát triển vững chắc công tác PCGD THCS, đạt chuẩn PCGD Trung học.
1.2. Mục tiêu cụ thể
– Đến năm 2012, Trường THCS An Thạnh phấn đấu được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
– Đến năm 2015, chất lượng giáo dục được khẳng định. Thương hiệu nhà trường được nâng cao.
2. Chỉ tiêu
2.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên
– Nâng cao nhận thức của CB-GV-NV về giáo dục, từ đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu đạt 100 % GV có trình độ chuẩn và 50% GV trên chuẩn.
– Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tất cả cán bộ giáo viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính, internet; thường xuyên truy cập vào các trang của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), của trường và các trang của các cơ sở giáo dục khác để học tập và ứng dụng vào trong các bài giảng của mình và nắm thông tin.
2.2. Học sinh hàng năm
– Qui mô:
+ Dao động từ 28-30 lớp.
+ Dao động từ 950 đến 1030 Học sinh.
– Chất lượng giáo dục:
a) Học lực:
+ Xếp loại giỏi đạt từ 25% trở lên.
+ Xếp loại khá đạt từ 35% trở lên.
+ Xếp loại yếu, kém không quá 5%.
b) Hạnh kiểm:
+ Xếp loại khá, tốt đạt từ 85% trở lên.
+ Xếp loại trung bình không quá 14%.
+ Xếp loại yếu, kém 1%.
+ Học sinh được trang bị các kĩ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội.
– Được đánh giá xếp loại xuất sắc về tiêu chuẩn “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’. Thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian tổ chức, nội dung các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ lên lớp.
– Đơn vị xã An Thạnh được công nhận hoàn thành công tác phổ cập THCS đúng độ tuổi, tiến đến hoàn thành phổ cập bậc trung học vào năm 2014.
2.3. Cơ sở vật chất
– Khuôn viên nhà trường là một khu riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển trường, tất cả các khu trong nhà trường được bố trí hợp lý, luôn sạch, đẹp. Đủ diện tích sử dụng để đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động quản lý, dạy học và các hoạt động giáo dục.
– Có đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, khu phục vụ học tập, khu văn phòng… theo quy định tại Điều lệ trường trung học.
– Có hệ thống CNTT kết nối internet cho tất cả các máy vi tính cho giáo viên và học sinh sử dụng để đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học.
– Xây dựng Website cho trường, luôn cập nhật thông tin của nhà trường về chủ trương, thông báo, cập nhật điểm học sinh thường xuyên để PHHS theo dõi nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường.
– Xây dựng môi trường sư phạm, cảnh quan nhà trường “Xanh – Sạch – Đẹp” ở mức độ cao.
3. Các giải pháp thực hiện chiến lược
Giải pháp 1: Đổi mới quản lý giáo dục
– Hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách giáo dục; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục cho phù hợp. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra nội bộ.
– Thực hiện công khai hoá về chất lượng giáo dục, nguồn lực cho giáo dục và tài chính, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục.
– Thực hiện phân cấp quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân sự; thúc đẩy hoạt động Hội đồng trường để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của đơn vị.
– Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra một cơ chế quản lý gọn nhẹ, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm “Tin học hóa” quản lý giáo dục.
– Xây dựng và triển khai thực hiện công tác đổi mới quản lí tài chính cho giáo dục nhằm đảm bảo mọi người đều được học hành, huy động ngày càng nhiều hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của nhà nước và xã hội để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.
Giải pháp 2: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
– Có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện, dạy học các môn học tích hợp, dạy học phân hóa, dạy học 2 buổi/ngày; đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp, học sinh trên giáo viên, tiếp tục tăng cường đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở giáo dục.
– Tạo điều kiện cho GV tham gia các chương trình đào tạo đa dạng nhằm nâng cao chuẩn trình độ đào tạo. Đến năm 2015 có 50% số giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
– Tiếp tục xây dựng, ban hành và tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên phổ thông.
– Tăng cường các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên theo các chương trình tiên tiến, các chương trình hợp tác với trường bạn để đáp ứng được nhiệm vụ nhà giáo trong tình hình mới.
– Có chính sách khuyến khích thực sự đối với đội ngũ nhà giáo thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Giải pháp 3: Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục
– Thực hiện các cuộc vận động của ngành, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, biến quá trình học tập thành quá trình tự học có hướng dẫn và quản lý của giáo viên.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đến năm 2015 có 100% giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học. Tăng cường kiểm tra về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá. Đảm bảo đến năm 2020 có 100% giáo viên được đánh giá là áp dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học mới.
– Để xây dựng môi trường bình đẳng, thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, bắt đầu từ năm 2012 thực hiện việc “Học sinh đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá cán bộ quản lý nhà trường”.
– Xây dựng hệ thống tổ chức kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục. Triển khai kiểm định, công bố công khai kết quả kiểm định. Đến năm 2012 đạt chuẩn cấp độ II, đến 2014 đạt chuẩn cấp độ III.
Giải pháp 4: Xã hội hóa giáo dục
– Thể chế hóa vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc giám sát và đánh giá giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn.
– Xây dựng quy chế hoạt động và phối hợp giữa nhà trường, gia đình, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các tổ chức xã hội khác nhằm phát huy tối đa vai trò của các tổ chức trong sự nghiệp Giáo dục.
Giải pháp 5: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục
Tăng cường bảo quản tốt cơ sở vật chất hiện có, mua sắm thêm một số đồ dùng dạy học còn thiếu. Tranh thủ sự đầu tư của cấp trên về cơ sở vật chất đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày.
Giải pháp 6: Xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến
– Triển khai phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, mang niềm vui học tập đến cho mọi trẻ em và lôi cuốn xã hội tham gia vào quá trình giáo dục.
– Phát hiện nhân tài, năng khiếu bẩm sinh để có hướng bồi dưỡng ngay từ lớp 7.
– Xây dựng một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao để ôn luyện bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi mũi nhọn từ lớp 7.
– Tăng cường bồi dưỡng học sinh yếu, kém; có biện pháp tối ưu để huy động học sinh tham gia bồi dưỡng.
Giải pháp 7: Xây dựng thương hiệu
– Tập trung mọi nhân lực, vật lực, trí lực để nâng cao chất lượng dạy và học nhằm xây dựng thương hiệu và sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường.
– Xác lập tín nhiệm thương hiệu đối với từng CB-GV-NV, học sinh và phụ huynh học sinh (PHHS).
– Trường xây dựng trang Web, Logo. Ngày thành lập trường là ngày 25 tháng 8 năm 1995 nên lấy ngày 25/8 hàng năm là ngày truyền thống nhà trường.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phòng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng thành viên trong hội đồng sư phạm đối với quá trình xây dựng thương hiệu nhà trường.
IV. TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Phổ biến kế hoạch chiến lược
Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi đến toàn thể CB-GV-NV nhà trường, cơ quan chủ quản, PHHS, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
2. Tổ chức
Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược; điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược
– Giai đoạn 1: Từ năm 2010 – 2012: là thời gian để nhà trường xây dựng các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia; đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ II. Đẩy mạnh thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua.
– Giai đoạn 2: Từ năm 2013 – 2015: là thời gian xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và được UBND tỉnh công nhận; đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ III. Đổi mới mạnh mẽ công tác giảng dạy theo hướng hiện đại hoá. Ổn định và nâng chất lượng giáo dục một cách vững chắc.
– Giai đoạn 3: Từ năm 2015 – 2020: là thời gian xây dựng thương hiệu trường chất lượng cao.
4. Đối với Hiệu trưởng
– Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng CB-GV-NV nhà trường. Thành lập Ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.
– Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hàng năm theo Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT ngày 12/5/2009 của Bộ Giáo dục Đào tạo.
5. Đối với Phó Hiệu trưởng
– Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.
– Tập trung tốt nhất cho việc xây dựng đội ngũ cốt cán chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục sao cho năm sau cao hơn năm trước.
6. Đối với Tổ trưởng chuyên môn và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường
– Thực hiên nhiệm vụ được phân công giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể trong tổ.
– Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
7. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, công nhân viên
– Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học.
– Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu trở thành giáo viên, nhân viên giỏi. Tích cực tham gia, đóng góp vào sự phát triển của Trường dựa vào khả năng của mỗi cá nhân.
8. Đối với học sinh
– Không ngừng học tập, tích cực tham gia hoạt động để sau khi tốt nghiệp THCS có kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu xã hội, tiếp tục học trung học hoặc học nghề. Ra sức rèn luyện đạo đức để trở thành những người công dân tốt.
– Tham gia góp ý nhằm cải tiến nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường; tự hào về truyền thống của nhà trường và tham gia quảng bá thương hiệu của nhà trường.
9. Lãnh đạo địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức liên quan
– Phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch từng năm học.
– Tuyên truyền đến nhân dân và học sinh về chiến lược phát triển của nhà trường./.
HIỆU TRƯỞNG
Trịnh Thị Mỹ Hoa